Indonesia và New Zealand tăng cường hợp tác chống khủng bố

Theo các nhà phân tích, cuộc chiến chống khủng bố ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi đây không phải là cuộc chiến giữa các đội quân rõ ràng, mà các mục tiêu luôn bất thường, khó lường.
Cảnh sát Indonesia điều tra tại hiện trường vụ tấn công. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Indonesia và New Zealand đã nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong vấn đề chống khủng bố, thông qua trao đổi thông tin và các nỗ lực phòng ngừa.

Đây là thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp ngày 2/8 giữa Giám đốc Cơ quan Chống khủng bố (BNPT) của Indonesia Suhardi Alius và Trợ lý Cố vấn An ninh quốc gia và quốc tế của New Zealand Michael Pennet.

Trong cuộc gặp, giới chức an ninh hai nước đã chia sẻ chung quan điểm trong giải quyết vấn đề chống khủng bố. Hai bên bày tỏ quan ngại về việc các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trở về quê nhà. Những phần tử này đã gây ra các mối đe dọa an ninh mới cho một số quốc gia châu Á. Ngoài ra, hai ông Alius và Pennet cũng nhất trí về các biện pháp cùng chống khủng bố, trong đó có liên quan tới gia đình của các phần tử khủng bố và thành viên các nhóm cực đoan.

[Indonesia bắt giữ 41 nghi can khủng bố sau vụ đánh bom ở Jakarta]

Cuối tuần qua, các quan chức an ninh cấp cao của Indonesia, New Zealand, Australia, Malaysia, Brunei và Philippines cũng đã tham dự một cuộc họp khu vực về khủng bố xuyên quốc gia tại tỉnh Bắc Sulawesi, Indonesia.

Chính quyền Indonesia đang quan ngại về nguy cơ gia tăng hoạt động của các phần tử thánh chiến tại nước này, quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống nhất trên thế giới. Trong vài năm gần đây, những đối tượng ủng hộ IS đã tiến hành một số các cuộc tấn công nhỏ lẻ tại Indonesia. Bên cạnh đó là mối lo ngại đối với sự trở về của hàng trăm công dân nước này đã tới Syria để tham gia hỗ trợ IS.

Theo các nhà phân tích, cuộc chiến chống khủng bố ngày càng trở nên khó khăn hơn bởi đây không phải là cuộc chiến giữa các đội quân rõ ràng, mà các mục tiêu luôn bất thường, khó lường, khó dự đoán, nắm bắt... Hồi năm ngoái, các chuyên gia an ninh trong khu vực đã cảnh báo về nguy cơ IS tràn sang Đông Nam Á. Hiện nay, trong bối cảnh IS thất thủ ở Iraq, việc tổ chức này tìm kiếm và xây dựng những căn cứ thành trì mới là điều tất yếu. Trong khi đó, Đông Nam Á là khu vực có nhiều yếu tố thuận để tổ chức khủng bố này nhắm tới từ lâu. Đây được cho là mối lo ngại về an ninh và đòi hỏi các nước Đông Nam Á cần có những đối sách phù hợp để đối phó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục