Invesco: Rủi ro địa chính trị trở thành mối lo ngại hàng đầu trên thế giới

86% tổ chức được Invesco khảo sát coi những rủi ro do tình trạng phân mảnh trên bản đồ địa chính trị thế giới và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gây ra sẽ là mối quan tâm hàng đầu trong thập kỷ tới.
Theo Invesco, hơn một nửa số ngân hàng được hỏi cho rằng động thái này làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng là tài sản "trú ẩn" và có lợi suất hấp dẫn. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi lạm phát ở một số nước "hạ nhiệt," rủi ro do xung đột địa chính trị trên thế giới, bao gồm căng thẳng thương mại âm ỉ giữa Mỹ và Trung Quốc, đã trở thành mối lo ngại hàng đầu đối với các quỹ đầu tư quốc gia và các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Đây là một phần nội dung chính trong cuộc khảo sát mà công ty quản lý đầu tư độc lập Invesco của Mỹ công bố ngày 22/7.

Căng thẳng địa chính trị thế giới, từ xung đột ở Ukraine đến những biện pháp hạn chế thương mại, đã ám ảnh các nhà đầu tư toàn cầu trong vài năm qua.

Giờ đây, mặc dù lạm phát ở nhiều nước đã "hạ nhiệt" song các cuộc bầu cử lớn ở nhiều nước và khu vực vốn chiếm gần một nửa dân số thế giới có thể tạo ra những bước chuyển mới liên quan đến địa chính trị, khiến vấn đề rủi ro địa chính trị trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư.

Ông Rod Ringrow - một lãnh đạo của Invesco, nhấn mạnh khi lạm phát hạ nhiệt, những tác động do xung đột địa chính trị gây ra lại trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong khảo sát, khoảng 83% số đơn vị tham gia khảo sát cho rằng căng thẳng địa chính trị là mối quan tâm hàng đầu trong ngắn hạn, cao hơn tỷ lệ 73% nói rằng lạm phát là mối quan tâm hàng đầu.

Trong dài hạn, 86% tổ chức được hỏi coi những rủi ro do tình trạng phân mảnh trên bản đồ địa chính trị thế giới và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gây ra sẽ là mối quan tâm hàng đầu trong thập kỷ tới. Rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra đứng vị trí thứ hai.

Căng thẳng địa chính trị, nhất là việc các nước phương Tây tịch thu tài sản đóng băng của Nga trị giá hơn 300 tỷ USD do Nga phát động chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, cũng khiến các ngân hàng trung ương cảm thấy "bất an."

56% ngân hàng được hỏi cho rằng động thái này làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng là tài sản "trú ẩn" và có lợi suất hấp dẫn. Ông Ringrow lưu ý xu hướng ngày càng nhiều ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng.

Hơn 50% cho rằng các thị trường mới nổi có thể hưởng lợi từ tình trạng phân cực gia tăng trong trật tự thế giới và quan hệ quốc tế.

Trong khi đó, 67% số quỹ đầu tư quốc gia tham gia khảo sát kỳ vọng các thị trường mới nổi sẽ hoạt động hiệu quả tương đương hoặc cao hơn hẳn so với thị trường phát triển.

Trong số thị trường mới nổi, Ấn Độ là thị trường hấp dẫn nhất, một phần là nhờ thị trường trái phiếu của quốc gia Nam Á này đang trở thành một kênh đầu tư dễ tiếp cận trên phạm vi toàn cầu.

Mặc dù vậy, ông Ringrow lưu ý rằng nhóm các nền kinh tế mới nổi khác, gồm Mexico, Brazil, Indonesia và Hàn Quốc, có thể hưởng lợi từ tình trạng xáo trộn trong hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu.

Đây là năm thứ 12, Invesco tiến hành khảo sát loại này. Năm nay, khảo sát được thực hiện trong quý 1 năm 2024, với sự tham gia của 83 quỹ đầu tư quốc gia và 53 ngân hàng trung ương trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục