Iran bác bỏ đề nghị của Mỹ về không làm giàu urani

Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi đã bác bỏ đòi hỏi của Mỹ về "không làm giàu" urani tại Iran, gọi đó là các lỗi trong quá khứ.
Cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi đã bác bỏ đòi hỏi của Mỹ về "không làm giàu" urani tại Iran.

Hãng thông tấn Tasnim ngày 23/6 dẫn lời ông Salehi chỉ trích đòi hỏi trên của Mỹ là sự mắc lại các lỗi trong quá khứ của Washington. Ông đưa ra chỉ trích trên bên lề Diễn đàn Oslo ở Na Uy với sự tham dự của các nhà trung gian hòa giải thế giới.

Quan chức Iran nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán hạt nhân giữa nước này và các cường quốc P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ và Đức), với kết quả là việc ký kết thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015, ban đầu xuất phát từ điều kiện Mỹ từ bỏ khái niệm "không làm giàu."

[Iran cảnh báo nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Fordow]

Ông Salehi cũng cảnh báo khu vực Trung Đông và toàn thế giới sẽ phải đối mặt với một hậu quả "khủng khiếp" nếu JCPOA sụp đổ do các quyết định "không khôn ngoan và vô căn cứ" của Washington. Ông kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác ủng hộ JCPOA có các bước đi thiết thực để chống lại các chính sách của Mỹ trong việc này.

Trước đó, ngày 21/6, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết Iran sẽ không đàm phán với Mỹ, nước đã không giữ lời và có hành động phá hoại các thỏa thuận đa phương.

Theo JCPOA, các biện pháp trừng phạt Iran liên quan chương trình hạt nhân của nước này dần được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran bảo đảm tính chất hòa bình của các hoạt động hạt nhân. Thỏa thuận quy định Iran có quyền xây dựng và thử nghiệm một số máy ly tâm làm giàu urani, mặc dù hạn chế về chủng loại và số lượng máy trong 10 năm đầu thực hiện thỏa thuận. Ngoài ra, Iran chỉ được làm giàu urani ở mức 3,67%.

Tuy nhiên, ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran.

Hiện các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận này thông qua việc tìm kiếm các biện pháp nhằm duy trì thương mại với Iran nhằm thuyết phục nước này không rút khỏi JCPOA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục