Iran không quan ngại về việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm các lĩnh vực tài chính và dầu mỏ của nước này, mà theo kế hoạch sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5/11.
Trong một tuyên bố ngày 2/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi khẳng định Mỹ sẽ không thể thực hiện bất cứ biện pháp nào chống lại Iran.
Ông nhấn mạnh Tehran có sự hiểu biết và khả năng để quản lý các vấn đề kinh tế của nước này. Người phát ngôn Qasemi khẳng định các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ chủ yếu gây "tác động tâm lý."
Tuyên bố của quan chức ngoại giao Iran được đưa ra vào đúng thời điểm Mỹ tuyên bố áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, vốn đã được dỡ bỏ năm 2015 theo thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa nhóm P5+1 (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ cùng với Đức) và Iran.
Theo kế hoạch, gói biện pháp trừng phạt thứ hai của Mỹ nhằm vào dầu mỏ - ngành kinh tế mũi nhọn của Iran, sẽ có hiệu lực từ ngày 5/11.
[Mỹ khôi phục toàn bộ các lệnh trừng phạt Iran từ ngày 5/11 sắp tới]
Trước đó, hồi tháng Tám vừa qua, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất nhập khẩu kim loại than, ngành sản xuất ôtô... của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Cùng ngày 2/11, doanh nghiệp sản xuất dầu Zarubezhneft của Nga thông báo công ty này đã rút khỏi thỏa thuận với Công ty Dầu mỏ quốc gia Iran trong dự án khai thác hai mỏ dầu Aban và Paydar-e Gharb ở Iran do lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo thỏa thuận có giá trị 10 năm này, hai bên sẽ hợp tác nâng sản lượng khai thác dầu mỏ tại hai mỏ này từ mức 36.000 thùng/ngày lên 48.000 thùng/ngày.
Zarubezhneft chiếm tới 80% cổ phần trong thỏa thuận này, còn đối tác Iran là Dana Energy sở hữu 20% cổ phần còn lại. Chi phí dự án ước tính vào khoảng 674 triệu USD cùng chi phí gián tiếp lên tới 68 triệu USD./.