Iran đề cao vai trò của Chính quyền Syria trong cuộc chiến chống IS

Tổng thống Iran tuyên bố tiến trình tìm giải pháp cho xung đột tại Syria đã ghi nhận tín hiệu tích cực khi nhiều nước phương Tây thay đổi quan điểm về vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 27/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố tiến trình tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria đã ghi nhận tín hiệu tích cực khi nhiều nước phương Tây thay đổi quan điểm về vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trong các cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNN của Mỹ và các học giả bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70, nhà lãnh đạo Iran cho hay nhiều cường quốc đã đồng ý với quan điểm chính quyền hiện nay ở Syria phải tiếp tục lãnh đạo đất nước.

Theo ông Rouhani, không còn giải pháp nào khác là tăng cường quyền lực của chính quyền trung ương hiện nay ở Syria như quyền lực tập trung.

Điều này sẽ giúp đạt được mục tiêu hàng đầu của các nước là đánh bật chủ nghĩa khủng bố ra khỏi Syria.

Ông nhấn mạnh một khi chính quyền Tổng thống Assad bị suy yếu hoặc bị đẩy ra khỏi cán cân chính trị tại Syria, thì quốc gia Trung Đông này sẽ trở thành "thiên đường an toàn" cho các phần tử khủng bố.

Bên cạnh đó, Tổng thống Iran cũng đề cập đến vai trò lực lượng đối lập tại Syria trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Điều này khá nhạy cảm bởi phía Mỹ đang triển khai chương trình huấn luyện các tay súng đối lập mà Washington cho là "ôn hòa" để tăng cường cho các lực lượng quân sự chống lại IS tại Syria.

Một nước phương Tây hàng đầu khác là Đức cũng giữ quan điểm ủng hộ ông Assad trong tiến trình hòa bình của Syria.

Trên kênh truyền hình Đức ngày 27/9, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier tuyên bố ông Assad có vai trò quan trọng để đạt được ngừng bắn tại Syria, tuy nhiên tương lai của Syria sẽ không thể gắn với ông Assad.

Ông Steinmeier cũng cho rằng vấn đề Syria sẽ chiếm ưu thế tại phiên họp lần này của Liên hợp quốc nhằm đi đến những bước đi phối hợp, tránh tình trạng Nga tiến hành một kiểu, phương Tây lại tìm cách đáp trả và tiến hành theo cách khác.

Tuy nhiên, hiện Pháp và Anh vẫn giữ quan điểm cho rằng ông Assad sẽ phải ra đi sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp tại Syria.

Cuộc xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 5 mà chưa có lối thoát. Cuộc khủng hoảng chính trị này đã khiến hơn 240.000 người thiệt mạng và hơn 4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Tình trạng này đã dẫn tới cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục