Với tỷ lệ phiếu bầu hơn 60 %, Bộ trưởng Tư pháp Iran Ebrahim Raisi đã trở thành người kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani sau cuộc bầu cử ngày 18/6 vừa qua. Cả 3 ứng cử viên còn lại trong cuộc bầu cử đã thừa nhận thất bại.
Trong nhiệm kỳ 4 năm tới, ông Raisi và ban lãnh đạo mới của Iran đứng trước một loạt nhiệm vụ hết sức khó khăn, như vực dậy nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, qua đó đưa Iran tham gia trở lại nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 13 của Iran diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng do sức tàn phá của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Tehran. Tháng 5/2018, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 bởi cho rằng thỏa thuận không đủ mạnh để vô hiệu hóa hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran.
Đồng thời, Mỹ đã tái áp đặt và bổ sung các lệnh trừng phạt nhằm ép buộc Tehran phải nhất trí đàm phán một thỏa thuận mới. Nhằm cắt nguồn tài chính của Iran và đưa quốc gia Trung Đông này ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu để Tehran không thể giao thương với nước ngoài, Mỹ đã thực hiện triệt để các lệnh trừng phạt trên các lĩnh vực như năng lượng, tài chính, ngân hàng, sản xuất vũ khí, công nghệ ô tô, kim loại quý, đá quý và ngành công nghiệp.
Trước chính sách "gây sức ép tối đa” của Mỹ, nền kinh tế trị giá gần 475 tỷ USD (năm 2019) của Iran đã không thể tham gia các thị trường quốc tế cũng như nền kinh tế toàn cầu, với nguồn ngân sách giảm đáng kể và dự trữ ngoại tệ ngày càng khan kiếm.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Iran đã giảm 6,8% trong năm 2018-2019 và giảm 6% năm ngoái. Lạm phát tăng vọt và luôn ở mức trên 45%, trong khi đồng nội tệ rial suy yếu mạnh so với đồng USD. Tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 11,2%. Sản lượng khai thác dầu thô của Iran giảm mạnh từ 3,9 triệu thùng/ngày ở thời điểm Mỹ chưa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (tháng 5/2018) xuống còn 2,3 triệu thùng/ngày hiện nay.
Xuất khẩu dầu thô cũng giảm sâu từ khoảng 2,5 triệu thùng/ngày xuống khoảng 650 nghìn thùng/ngày. Iran hiện có khoảng 20 tỷ USD tiền bán dầu bị phong tỏa tại Hàn Quốc, Iraq và Trung Quốc từ năm 2018 theo các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Bên cạnh đó, Iran cũng đang phải gồng mình ứng phó với đại dịch COVID-19. Iran là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của virus SARS-CoV-2 với hơn 3,08 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 82.850 trường hợp tử vong.
Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức, Iran cũng đang nỗ lực đàm phán với các cường quốc thế giới để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), được Tehran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015.
Tehran kỳ vọng việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận này và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt sẽ tạo các cơ hội để kinh tế Iran tham gia trở lại hệ thống tài chính quốc tế và nền kinh tế toàn cầu.
Một khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran - quốc gia có trữ lượng dầu thô qua kiểm chứng lớn thứ tư thế giới với khoảng 158 tỷ thùng - có thể sẽ tăng mạnh sản lượng khai thác lên khoảng 4 triệu thùng/ngày chỉ trong vòng 1-3 tháng. Bên cạnh đó, quốc gia Trung Đông sẽ nâng mức xuất khẩu dầu thô lên hơn 2,5 triệu thùng/ngày.
Việc tái hội nhập nền kinh tế toàn cầu sẽ giúp Iran có các nguồn lực để đầu tư nâng cấp và phát triển hệ thống hạ tầng sản xuất dầu khí vốn đã xuống cấp nghiêm trọng do thiếu đầu tư trong nhiều năm, cũng như xây dựng các hạ tầng kinh tế-xã hội khác.
[Bầu cử Tổng thống Iran: Ứng cử viên Ebrahim Raisi giành chiến thắng]
Các công ty từ châu Âu, Mỹ, khu vực Đông Bắc Á và nhiều khu vực khác sẽ quay lại thị trường Iran. Các tập đoàn năng lượng toàn cầu như BP, Shell, Total, Staoil và Lukoil đều mong muốn hợp tác với Iran.
Với gần 83 triệu dân, thị trường Iran hiện cần nhiều loại hàng hóa, từ hàng thiết yếu đến điện tử, ô tô và linh kiện máy bay.
Tuy nhiên, tiến trình đàm phán nhằm khôi phục JCPOA, bắt đầu từ tháng 4/2021 tại thủ đô Vienna của Áo, dù đã đạt được một số tiến triển, song các bên thừa nhận vẫn còn một số vấn đề then chốt chưa được giải quyết. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không thể dễ dàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang áp dụng đối với Iran mà không đòi hỏi những điều kiện mang tính ràng buộc từ Tehran.
Mỹ đến nay vẫn khẳng định lập trường là chỉ tiến hành dỡ bỏ lệnh trừng phạt sau khi Tehran ngưng làm giàu uranium ở mức độ cao và quay trở về mức 3,67% như cam kết. Giới chức Mỹ luôn bày tỏ quan điểm sẽ theo đuổi tiến trình đàm phán với Iran nhằm hướng tới một thỏa thuận "chặt chẽ và lâu dài hơn" để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như ngăn cản Tehran hậu thuẫn các lực lượng quân sự ở Iraq, Yemen, Liban và Syria.
Nỗ lực của Iran nhằm đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân cũng vấp phải không ít trở ngại từ các nước láng giềng trong khu vực. Các quốc gia Arab Vùng Vịnh đã yêu cầu đưa chương trình tên lửa đạn đạo của Iran vào thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc thế giới đã ký với Tehran, coi đây là một trong những bước thiết thực để xây dựng lòng tin nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang và xung đột trong khu vực.
Saudi Arabia và các đồng minh cho rằng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 không giải quyết được những mối quan ngại của những nước này đối với chương trình tên lửa của Tehran, trong khi Iran phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm bổ sung những vấn đề khác vào thỏa thuận hạt nhân.
Có thể nói cuộc bầu cử tổng thống Iran đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế và khu vực bởi nó sẽ hé lộ những thay đổi tại quốc gia có tầm ảnh hưởng ở Trung Đông này, nhất là trong bối cảnh hồ sơ hạt nhân Iran chưa bao giờ hết "nóng."
Theo đánh giá của giới phân tích, kết quả cuộc bầu cử đã cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của phe cứng rắn. Trong số 4 ứng cử viên ở vòng đua cuối, chỉ có cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Abdolnasar Hemmati là nhân vật duy nhất theo đường lối cải cách.
Các nhà phân tích cũng cho rằng chính sách “gây sức ép tối đa” của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã góp phần củng cố vị thế của phe theo đường lối cứng rắn trong cơ cấu quyền lực tại Iran, cụ thể là hệ thống tư pháp, Hội đồng Giám hộ và Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran IRGC.
Hơn nữa, trong 2 nhiệm kỳ tổng thống của ông Rouhani, phe cải cách đã không thể thực hiện được những cam kết về phát triển kinh tế.
Chiến thắng của ông Raisi được kỳ vọng sẽ đưa đến một luồng sinh lực mới, đưa đất nước Iran vượt qua những khó khăn, nhất là về kinh tế.
Trong cương lĩnh tranh cử, ông Raisi đã cam kết chống tham nhũng trong mọi lĩnh vực; đưa sản xuất vào nhóm ưu tiên hàng đầu và lập kế hoạch thúc đẩy dòng tiền hướng tới khu vực sản xuất; tiến hành tư nhân hóa thực sự; giảm một nửa chi phí điều trị y tế; tăng cường quản lý thị trường; tạo ra một triệu việc làm mỗi năm bằng cách khai thác 70% tiềm năng kinh tế sẵn có ở trong nước cũng như khai thác tiềm năng của lĩnh vực nhà ở, không gian mạng và kinh tế biển; giảm tỷ lệ lạm phát xuống còn một con số.
Ông Raisi cũng đã cam kết xây dựng một “Iran mạnh mẽ”, vực dậy nền kinh tế và thắt chặt quan hệ thương mại với các láng giềng. Về vấn đề hạt nhân Iran, ông cam kết sẽ đi theo con đường đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Để thực hiện một loạt cam kết nêu trên, nhất là nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế, cải thiện điều kiện sống cho người dân cũng như tạo một môi trường ổn định để thu hút đầu tư nước ngoài, ông Raisi và ban lãnh đạo mới của Iran sẽ có nhiều việc phải làm.
Trước hết, trong tiến trình đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân, Iran cần tìm được cách tiếp cận phù hợp để phá vỡ bế tắc hiện nay. Bên cạnh những cải cách cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế và chống tham nhũng, Iran cũng cần giải quyết những mâu thuẫn lâu nay với các nước láng giềng Arab trên tinh thần xây dựng để hướng tới xây dựng lòng tin, qua đó tạo môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực./.