Quyết định của Iran ngừng thực hiện một số cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký năm 2015 với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức), là hợp pháp.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Java Zarif đã đưa lời khẳng định trên ngày 8/5 trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Moskva.
Theo hãng tin RIA của Nga, Ngoại trưởng Zarif tuyên bố các hành động của Iran không vi phạm các điều khoản ban đầu của thỏa thuận hạt nhân, đồng thời nêu rõ Tehran hiện có 60 ngày để thực hiện các biện pháp ngoại giao cần thiết.
Ông Zarif cũng thông báo Tổng thống Hassan Rouhani đã gửi thư tới lãnh đạo các nước ký kết JCPOA. Ông cũng kêu gọi các bên liên quan duy trì thỏa thuận, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng Moskva, một trong các bên ký JCPOA, sẽ tuân thủ văn kiện được coi là thành tựu quan trọng của ngoại giao này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng cách hành xử vô trách nhiệm của Mỹ là nguyên nhân dẫn tới tình hình liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Iran gia tăng. Ông xác nhận Moskva đã nhận được thư của Tổng thống Rouhani về ý định của Tehran chấm dứt một phần cam kết của nước này trong JCPOA và hiện phía Nga đang nghiên cứu bức thư này.
[Tổng thống Iran ra tối hậu thư về việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân]
Cùng ngày, Điện Kremlin khẳng định Nga vẫn tuân thủ JCPOA, đồng thời cho rằng lý do mà Iran ngừng thực thi một số điều khoản của thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 là vì sức ép từ bên ngoài, mà theo Moskva chính là do Mỹ gây ra.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov nói: "Tổng thống (Vladimir Putin) đã nhiều lần nói đến hậu quả của những biện pháp không suy tính cẩn trọng liên quan tới Iran, ý tôi nói tới quyết định (rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran) của Washington. Hiện, chúng ta thấy những hậu quả này đang bắt đầu xảy ra."
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Nga muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran và các nhà ngoại giao Nga đang nỗ lực hết sức sau hậu trường trong các cuộc đàm phán với các quan chức châu Âu trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev cho rằng, quyết định của Iran đình chỉ một số cam kết trong JCPOA có thể được xem là một biện pháp ngoại giao, không phải là việc rút khỏi thỏa thuận này. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận này đang hiện hữu.
Trên mạng xã hội Facebook, ông Kosachev đã đăng dòng trạng thái: "Thông báo của Iran gửi cho các đại sứ của Đức, Vương quốc Anh, Trung Quốc và Nga về việc ngừng thực hiện một số nghĩa vụ của nước này trong thỏa thuận hạt nhân không phải là việc rút khỏi thỏa thuận mà đúng hơn là một biện pháp ngoại giao. Theo tôi, việc không tuân thủ các cam kết về việc hạn chế làm giàu urani và nước nặng dự trữ không trực tiếp gây ra hậu quả đáng kể, nhưng việc cam kết khôi phục việc nâng cấp các lò phản ứng hạt nhân nước nặng ở Arak - vốn có thể được sử dụng để phát triển vũ khí mức độ plutoni - có thể đã dẫn tới việc phá vỡ thỏa thuận."
Theo ông Kosachev, quyết định của Tehran trong việc ngừng thực hiện một số cam kết là "hậu quả trực tiếp từ việc Washington rút khỏi JCPOA."
Trong khi đó, Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ tình hình liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng mối quan hệ hữu nghị giữa Tokyo với Tehran để đảm bảo hòa bình và ổn định tại Trung Đông.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng sẽ tận dụng được mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Iran để giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại, cũng như đạt được mục tiêu hòa bình và ổn định trong khu vực," đồng thời nhấn mạnh việc Iran đóng vai trò "xây dựng" là điều quan trọng.
Người phát ngôn hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản cho biết thêm: "Quyết định của chính quyền Iran là không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và chúng tôi lưu tâm quan điểm này. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình."
Mặc dù không phải thành viên của thỏa thuận hạt nhân Iran, song Nhật Bản luôn ủng hộ văn kiện này, vốn nhằm mục đích tăng cường cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, quan điểm cứng rắn của Mỹ thời gian gần đây đặt đồng minh an ninh của nước này là Nhật Bản vào thế khó, bởi Tokyo luôn muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Tehran.
Trong khi đó, phản ứng về quyết định của Iran, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong bài phát biểu nhân dịp Ngày Tưởng niệm của Israel, tuyên bố Tel Aviv sẽ không cho phép Iran sở hữu các loại vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh lập trường lâu nay của Israel là sẽ tiếp tục chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Iran Rouhani thông báo sau 60 ngày, nước này sẽ ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Ông cũng cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nhất định nếu vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông khẳng định lập trường của Iran sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân.
Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phươngTây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.
Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran.
Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận. Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU./.