Ngày 21/2, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã nhắc lại đề nghị Mỹ trước tiên cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này nếu muốn đàm phán về thỏa thuận hạt nhân lịch sử, mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký kết với các cường quốc thế giới (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc) năm 2015.
Phát biểu trên kênh truyền hình Press TV của Iran, Ngoại trưởng Zarif nêu rõ: "Mỹ sẽ không thể tham gia lại thảo thuận trước khi nước này dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt...." Theo ông, đàm phán chỉ diễn ra nếu các nước thực hiện nghĩa vụ của mình.
Ngoại trưởng Iran đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Iran về việc cả hai nước đều quay trở lại thỏa thuận - vốn được đưa ra nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran, đổi lại nước này sẽ được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế. Năm 2018, cựu Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Để đáp trả, một năm sau đó, Iran dần đình chỉ việc tuân thủ hầu hết các cam kết hạt nhân quan trọng.
[Iran xem xét đề xuất của EU về cuộc họp không chính thức với Mỹ]
Tuy nhiên, hiện cả Iran và Mỹ đều đang bất đồng về việc nước nào sẽ phải tiến hành bước đi đầu tiên để hồi sinh thỏa thuận. Iran khẳng định Washington trước tiên phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, trong khi Mỹ cho rằng Tehran trước tiên cần tuân thủ thỏa thuận. Năm 2020, Quốc hội Iran thông qua một đạo luật cho phép chính phủ nước này ngừng thực thi Nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào ngày 23/2 tới nếu các biện pháp trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo không được dỡ bỏ.
Theo thỏa thuận, Iran thực thi Nghị định thư bổ sung của IAEA, vốn cho phép cơ quan này tiến hành các cuộc thanh sát ngắn. Ngoại trưởng Zarif khẳng định Iran sẽ phải thực thi đạo luật đã được quốc hội thông qua. Tuy nhiên, theo ông, việc Iran dừng các cuộc thanh sát hạt nhân không có nghĩa nước này rời bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và chừng nào Mỹ tuân thủ trở lại thỏa thuận, Iran cũng sẽ thực hiện điều này.
Hiện ông Rafael Grossi, Tổng Giám đốc IAEA đang ở Tehran và đã gặp người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran nhằm tìm giải pháp tháo gỡ thế bế tắc liên quan công tác thanh tra các cơ sở hạt nhân của nước này. Trong một tuyên bố đăng trên mạng Twitter, ông Kazem Gharibabadi, đại diện thường trực của Iran tại IAEA, khẳng định hai bên đã có "các cuộc thảo luận hữu ích" dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Kết quả của các cuộc hội đàm sẽ được công bố sau./.