Iraq bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Iran

Ngoại trưởng Iran đã tới Iraq để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Iran Hassan Rouhani từ ngày 11/3 theo lời mời của Tổng thống Iraq Barham Salih.
Ngoại trưởng Iraq Muhammad Ali al-Hakim (phải) gặp người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. (Nguồn: Reuters)

Ngày 10/3, Ngoại trưởng Iraq Mohammed al-Hakim cho biết Baghdad mong muốn tăng cường quan hệ và hợp tác trên nhiều lĩnh vực với quốc gia láng giềng Iran.

Bình luận trên được Ngoại trưởng Iraq đưa ra trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Iran Mohammed Javad Zarif.

Ngoại trưởng Iran tới Iraq để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Iran Hassan Rouhani từ ngày 11/3 theo lời mời của Tổng thống Iraq Barham Salih.

[Iran và Iraq chuẩn bị đàm phán thương mại song phương]

Bộ Ngoại giao Iraq cho biết hai vị bộ trưởng đã thảo luận về quan hệ giữa Baghdad và Tehran.

Các cuộc thảo luận cũng đề cập nhiều vấn đề và các thách thức để đạt được mục tiêu an ninh và ổn định trong khu vực.

Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Ngoại trưởng Iran cho biết quốc gia này mong muốn hỗ trợ Iraq trong quá trình tái thiết sau khi đẩy lui chủ nghĩa khủng bố ra khỏi lãnh thổ.

Ông Zarif khẳng định Iran tự hào khi sát cánh cùng Iraq trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời nhấn mạnh vai trò trụ cột của cả hai quốc gia trong đảm bảo an ninh khu vực.

Ngoại trưởng Iran cũng cảm ơn Iraq vì từ chối áp đặt "các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp" của Mỹ nhằm vào Tehran.

Hiện, Iraq vẫn tiếp tục mua điện và khí đốt tự nhiên từ Iran.

Hai nước cũng có kế hoạch tăng giá trị trao đổi thương mại song phương từ mức 12 tỷ USD hiện tại lên 20 tỷ USD.

Trong chuyến thăm Iraq, Tổng thống Iran sẽ gặp Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Madhi và Tổng thống Iraq Barham Salih.

Quan hệ song phương, trao đổi thương mại và các biện pháp giúp "né" các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ là những nội dung có thể được nhắc tới trong chuyến thăm lần này của ông Rouhani tới Iraq.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018, Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng yếu như dầu mỏ, ngân hàng và giao thông.

Theo thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015, Tehran cam kết hạn chế chương trình phát triển hạt nhân đổi lại các quốc gia phương Tây gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia này.

Mỹ cho rằng thỏa thận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) chưa bao gồm các điều khoản hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo và sự can dự của Tehran trong các vấn đề khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục