Ireland: Chia sẻ tin tức giả sẽ phải ngồi tù và bị phạt tiền

Nếu bạn sử dụng một robot Twitter hoặc chia sẻ tin tức giả ở Ireland, hãy chuẩn bị tinh thần bị tống thẳng vào tù, đừng nghĩ đến chuyện kháng án, và có thể sẽ bị phạt 10.000 euro.
Một cuộc họp tại Ireland. (Nguồn: poynter.org)

Nếu bạn sử dụng một robot Twitter hoặc chia sẻ tin tức giả ở Ireland, hãy chuẩn bị tinh thần bị tống thẳng vào tù, đừng nghĩ đến chuyện kháng án, và có thể sẽ bị phạt 10.000 euro.

Theo trang Poynter.org, đó là tinh thần của một dự luật mà các nhà lập pháp ở Ireland đề xuất trong tuần này. Dự luật sẽ khiến việc sử dụng robot để xuất hiện trực tuyến ở nhiều nơi nhằm mục đích gây ảnh hưởng lên các cuộc tranh luận chính trị trở thành một tội hình sự. Tích cực truyền bá tin tức giả trên Facebook hoặc Twitter theo cách tương tự cũng sẽ bị phạt 5 năm tù hoặc chịu khoản phạt lên đến 10.000 euro.

Eoin O’Dell, phó giáo sư luật thuộc Cao đẳng Trinity Dublin chia sẻ với Poynter trong một email rằng toàn bộ dự luật này được xây dựng dựa trên luật Quảng cáo Thành thật được đề xuất trước Quốc hội Hoa Kỳ. Về cơ bản, dự luật đó nhằm mục tiêu quy định các công ty tuân theo các tiêu chuẩn chung cho quảng cáo chính trị được phát trên truyền hình và truyền thanh.

Tuy nhiên, bằng cách thêm vào một phần hình sự hóa việc cá nhân sử dụng robot và chia sẻ tin tức giả, các nhà lập pháp Ireland đã đi xa hơn một bước nữa.

"Phần 6 đi xa hơn so với dự luật của Hoa Kỳ, và phản ánh một xu hướng đáng buồn của các thành viên nghị viện Ireland là tìm đến luật hình sự khi họ không thích internet," O’Dell chia sẻ.

Động thái này là một cách tiếp cận táo bạo tới một vấn đề - và một khái niệm - đã làm xáo trộn phần lớn châu Âu trong vài tháng qua.

Sau các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý gây tranh cãi ở Pháp, Italy và Vương quốc Anh mà nguyên nhân là do thông tin sai lệch, Ủy ban châu Âu đã lập ra một nhóm cấp cao để tìm cách xử lý tốt nhất các tin tức giả trên mạng.

[Facebook, Google, Twitter cam kết mạnh tay với nạn phát tán tin giả]

Tuy nhiên các chuyên gia ở châu Âu và nhiều nơi khác đang hoài nghi việc nhóm này sẽ đạt được kết quả đáng kể do những vấn đề về quản lý, và các giải pháp được đề xuất tập trung vào các vấn đề như phát ngôn thù địch và quảng cáo hơn là thông tin sai lệch.

Dự luật được đưa ra tuần này là một trong những đề xuất táo bạo nhất tính đến nay tại châu Âu. Nhưng liệu nó có thực sự có cơ hội được thông qua, hay chỉ là một hành động nhằm thu hút sự chú ý?

Eugenia Siapera nghiêng về giả thuyết thứ nhất hơn. "Tôi không chắc 100%, nhưng tôi nghĩ nó có cơ hội được thông qua," phó giám đốc Viện Báo chí và Truyền thông Tương lai thuộc Đại học thành phố Dublin nhận định. "Chúng tôi có những điều luật nghiêm khắc nhất dành cho tội phỉ báng."

Bị phạt tù và tiền nếu chia sẻ tin tức giả. (Nguồn: FactCheck.org)

Do quốc hội Ireland đã từng tỏ ý sẵn sàng lập pháp chống lại tự do ngôn luận trong quá khứ, bà cho rằng luật mới được đề xuất này không phải là một sự bất ngờ. Và, nếu được thông qua, nó có thể phản tác dụng.

"Người dùng sẽ nhìn nhận dự luật này như một sự vi phạm quyền tự do ngôn luận của họ," bà nói. "Tôi đồng tình với ý định đằng sau dự luật này là khả năng giải độc và bảo vệ môi trường công cộng khỏi những kẻ có ý định xấu, nhưng mặt khác chúng ta cũng phải bảo đảm công dân không bị trừng phạt vì quyền tự do ngôn luận của họ."

Dự luật này cũng có những vấn đề khác. Siapera cho rằng dự luật xoay quanh định nghĩa về tin tức giả và thông tin sai lệch mà nói theo cách dễ nghe nhất là"có thể gây tranh cãi và mập mờ.

Dan MacGuill, một cây viết của Snopes kiêm cựu nhân viên kiểm tra thông tin thực tế cho trang tin tức TheJournal.ie của Ireland chia sẻ trong email gửi Poynter rằng dự luật đang cố gắng giải quyết một vấn đề hão huyền.

"Điều đầu tiên cần biết ở đây - và đáng chú ý - là không có ​'tin tức giả' thực sự nào được nói tới ở Ireland,” ông nói. "Có một cuộc tổng tuyển cử năm 2016, và đó là một cuộc tổng tuyển cử căng thẳng bất thường, nhưng chúng tôi không thấy bất kỳ thông tin sai lệch một cách cố ý, có tính lan truyền để kiếm tiền, hoặc robot từ nước ngoài hay tài khoản mạo danh nào là một nhân tố trong cuộc bầu cử ở Mỹ hay cuộc trưng cầu dân ý về Brexit."

Điều đó không có nghĩa là Ireland miễn nhiễm với tin tức giả. James Lawless, tác giả dự luật, chia sẻ với tờ Independent ở Ireland rằng các nhà lập pháp cần bắt đầu cân nhắc khả năng quốc gia này có thể trở thành một mục tiêu của thông tin chính trị sai lệch trong tương lai. Và MacGuill nói rằng cuộc trưng cầu ý dân sắp tới về vấn đề phá thai ở Ireland - và các chiến dịch có khả năng chia rẽ xung quanh vấn đề này - có thể trở thành trọng tâm.

"Tôi nghĩ rằng có thể sẽ có những lực lượng trong xã hội Ireland có thể giảm nhẹ điều đó," ông nói. "Nhưng cuối cùng, sự vắng mặt của tin tức giả như một sự hiện diện trong cảnh quan trực tuyến ở Ireland có thể là vì thực tế rằng "thị trường" Ireland vẫn chưa được xem là đủ lớn hay hấp dẫn, đáng để đầu tư công sức cho một chiến dịch có tổ chức nhằm tung ra thông tin sai lệch để đầu cơ."

Tuy nhiên, vẫn còn khả năng dự luật chỉ đơn thuần là một nỗ lực để ghi điểm chính trị. Không đồng tình với Siapera, O’Dell cho biết dự luật ít có khả năng được ban hành với tình trạng hiện tại do thực tế rằng nó là một dự luật của một thành viên cá nhân được đưa ra bởi một thành viên của bên đối lập.

MacGuill cũng cho biết rằng Lawless đã kiểm tra tên các thành viên của Đơn vị Truyền thông Chiến lược, một sáng kiến của Thủ tướng Leo Varadkar được xem là một "đơn vị phái sinh" từ các cơ quan hiện tại khi xúc tiến dự luật, càng củng cố thêm suy đoán rằng dự luật này có các động lực mang tính đảng phái.

Bất chấp ý định, khả năng được thực thi của đề xuất này vẫn còn là một dấu hỏi. Anya Schiffrin, giám đốc chuyên môn hóa Công nghệ, Truyền thông và Phương tiện truyền thông của Trường Quan hệ Quốc tế và Công chúng thuộc Đại học Columbia chia sẻ với Poynter trong một email rằng bà nghi ngờ khả năng Ireland sẽ lập pháp hiệu quả về vấn đề robot và thông tin sai lệch - nhất là ở bên ngoài biên giới đất nước.

"Chuyện đó có vẻ khó khăn," Schiffrin nói về các nỗ lực quản lý tin tức giả ở châu Âu. "(Tôi) tự hỏi họ có thể phạt những người không phải công dân Ireland hay không sống ở Ireland bằng cách nào."

Đó là một câu hỏi hay mà các nhà lập pháp chưa có câu trả lời. Nhưng ngay cả khi dự luật cuối cùng có bao gồm một cơ chế hành pháp khả thi, Siapera vẫn cho rằng sự tồn tại của nó sẽ làm hại tới truyền thông đại chúng bằng cách lấy đi khả năng tranh luận khỏi những điều luật nghiêm khắc về sự phỉ báng của Ireland.

"Các nhà báo thực sự dè dặt với việc theo đuổi những bài điều tra vì luật pháp. Theo quan điểm của tôi, nếu bây giờ tin tức giả được đưa thêm vào toàn cảnh, điều đó sẽ làm phức tạp thêm mọi thứ," bà nói. "Chúng ta phải đạt được một sự cân bằng ở đây, nhưng tôi không chắc điều luật cụ thể này có thể làm được điều đó"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục