Ngày 21/10, Israel đã bác bỏ thông tin trước đó của Lữ đoàn Al-Qassam thuộc Phong trào Hamas về việc Tel Aviv từ chối tiếp nhận hai con tin mà nhánh quân sự này đã đề nghị trả tự do.
Trước đó, người phát ngôn của Lữ đoàn Al-Qassam thuộc Phong trào Hamas, Abu Ubaida, tiết lộ rằng nhánh quân sự này đã đề nghị thả thêm hai con tin "vì lý do nhân đạo mà không kèm điều kiện gì, tuy nhiên Israel từ chối tiếp nhận họ."
Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đã ra tuyên bố bác bỏ thông báo trên, đồng thời mô tả thông tin này là “tuyên truyền không đúng sự thật.”
Tuy nhiên, trong thông điệp tiếp sau đó trên mạng Telegram, Lữ đoàn Al-Qassam khẳng định sẵn sàng thả hai con tin vào ngày 22/10, tuân theo các thủ tục tương tự đã được áp dụng trong quá trình trả tự do cho hai công dân Mỹ bị giam giữ vào ngày 20/10.
[Xung đột Hamas-Israel: Hamas trả tự do cho 2 con tin người Mỹ]
Trong diễn biến liên quan, Qatar cùng ngày tuyên bố tiếp tục phối hợp với Mỹ và các đối tác quốc tế để tạo điều kiện giải phóng các con tin Israel bị Phong trào Hamas bắt giữ, cũng như nỗ lực giảm leo thang căng thẳng ở Dải Gaza.
Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani đã khẳng định cam kết trên trong tuyên bố sau cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken.
Trước đó, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel Daniel Hagari cho biết số người bị Hamas bắt làm con tin đã tăng lên 210 và đây chưa phải là con số cuối cùng.
Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực xoa dịu tình hình ở Gaza
Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho xung đột Hamas-Israel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 21/10 đã điện đàm với thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh nhằm thảo luận về tình hình ở Gaza.
Trong cuộc điện đàm, ông Erdogan đã chia sẻ về nỗ lực của Ankara nhằm hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn, việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza và khả năng điều trị cho những người bị thương tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm 7/10, Hamas đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn bất ngờ nhằm vào Israel từ Dải Gaza. Sau đó, Israel tiến hành các cuộc tấn công trả đũa và ra lệnh phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza, nơi sinh sống của hơn hai triệu người, cắt nguồn cung cấp nước, thực phẩm và nhiên liệu.
Lệnh phong tỏa sau đó được nới lỏng để cho phép xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza. Xung đột leo thang đã khiến hàng nghìn người ở cả hai phía thiệt mạng và bị thương./.