Israel đánh giá về triển vọng bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia

Cố vấn An ninh Quốc gia của Thủ tướng Netanyahu cho biết có cùng suy nghĩ với Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó nhấn mạnh "chặng đường bình thường hóa với Saudi Arbia có thể còn dài song khả thi."
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) và Cố vấn An ninh Quốc gia Tzachi Hanegbi. (Nguồn: Flash90)

Ngày 31/7, Cố vấn An ninh Quốc gia của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra nhận định cho rằng chặng đường tiến tới bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia "còn dài."

Thời gian qua, Mỹ với vai trò trung gian đã tìm cách để giúp hai bên đạt được một thỏa thuận lịch sử mà Thủ tướng Netanyahu từng khẳng định sẽ giúp tiến tới chấm dứt xung đột giữa các nước Arab-Israel.

Tuy nhiên, Riyadh từng thể hiện quan điểm rằng việc bình thường hóa quan hệ với Israel phụ thuộc vào giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

Tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có chuyến thăm Saudi Arabia để thảo luận về một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Riyadh với Israel.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó đã khẳng định triển vọng đạt được thỏa thuận như vậy.

Phát biểu trên đài phát thanh Kan ngày 31/7, Cố vấn của Thủ tướng Netanyahu, ông Tzachi Hanegbi cho biết bản thân có cùng suy nghĩ với Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó nhấn mạnh "chặng đường bình thường hóa với Saudi Arbia có thể còn dài song khả thi."

Ông cho biết thêm Israel không tham gia vào cuộc thảo luận giữa Mỹ và Saudi Arabia.

Bên cạnh đó, ông Hanegbi cũng tái khẳng định lập trường của Israel, cho biết "sẽ không nhượng bộ với bất kỳ điều gì có thể làm ảnh hưởng đến an ninh nước này."

Trong khi đó, các thành viên khác của nội các Israel, bà Orit Strock và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir thuộc các đảng chủ chốt trong chính quyền của Thủ tướng Netanyahu, cũng loại trừ khả năng nhượng bộ với Palestine trong bất kỳ thỏa thuận nào.

[Israel không nhượng bộ vấn đề Palestine trong quan hệ với Saudi Arabia]

Giới phân tích nhận định lập trường này sẽ gây trở ngại cho Thủ tướng Netanyahu, khi ông từng khẳng định ưu tiên mục tiêu bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia trong chính sách đối ngoại. 

Triển vọng bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia-Israel càng được quan tâm hơn kể từ khi hai nước láng giềng vùng Vịnh là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain thiết lập quan hệ với Israel vào năm 2020.

Saudi Arabia vốn được coi là “anh cả” trong thế giới Arab Hồi giáo, nên việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Riyadh có thể ảnh hưởng đến lập trường các quốc gia Arab và Hồi giáo khác.

Từ lâu, Israel và Saudi Arabia đã duy trì liên lạc thường xuyên ở cấp độ không chính thức, song Riyadh vẫn từ chối công nhận Israel do liên quan đến cuộc  xung đột ở khu vực Trung Đông.

Mỹ đã tăng cường thúc đẩy quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel sau những thành công của Hiệp định Abraham - sáng kiến do cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra nhằm thuyết phục các nước Arab công nhận Nhà nước Do Thái.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, quan hệ Mỹ-Israel cũng trở nên căng thẳng sau việc Israel mở rộng các khu định cư Do Thái và Thủ tướng Netanyahu thúc đẩy kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục