Ngày 26/10, Israel đã triệu hồi Đại sứ tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Carmel Shama Hacohen về nước để tham vấn, sau khi UNESCO thông qua nghị quyết thứ 2 mà lãnh đạo Israel cho là phủ nhận mối liên hệ giữa người Do Thái với các địa điểm linh thiêng ở Jerusalem.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra quyết định triệu hồi Đại sứ Hacohen ngay sau khi Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO trong một phiên họp ở Paris (Pháp) thông qua một nghị quyết về "Thành cổ Jerusalem và bức tường phía Tây," trong đó bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Israel tiến hành các hoạt động xây dựng và khai quật khảo cổ học tại Jerusalem.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra chỉ tám ngày sau khi Hội đồng điều hành UNESCO thông qua một nghị quyết tương tự, trong đó nêu rõ khu đền thờ Al-Aqsa là "địa điểm thờ phụng linh thiêng của Hồi giáo."
Nghị quyết do Kuwait, Liban và Tunisia đề xuất này đã được thông qua mặc dù phía Israel kêu gọi các bên nỗ lực lâu dài để ra một nghị quyết sửa đổi hoặc giảm nhẹ các từ ngữ được sử dụng trong văn kiện.
Phát biểu từ thành phố Herzliya, gần Tel Aviv, Thủ tướng Netanyahu chỉ trích mạnh việc UNESCO thông qua nghị quyết trên, đồng thời tuyên bố Israel đang xem xét "các bước đi tiếp theo" đối với tổ chức này.
Trong khi đó, Đại sứ Hacohen cho biết Israel đang nghiên cứu khả năng cắt đứt mọi quan hệ với UNESCO. Bộ trưởng Giáo dục Israel Naftali Bennett trước đó đã tuyên bố Israel đình chỉ tất cả các quan hệ về chuyên môn với UNESCO.
Trong khi đó, giới chức Palestine hoan nghênh nghị quyết trên của UNESCO. Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat cho rằng các nghị quyết của UNESCO là nhằm bảo vệ các quyền tín ngưỡng của cả ba tôn giáo lớn gồm Thiên chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo tại các thánh địa ở Jerusalem.
Khu đền thờ Al-Aqsa ở Đông Jerusalem được người Do Thái gọi là Núi Đền còn người Hồi giáo gọi là Haram al-Sharif. Israel đã phản ứng mạnh sau khi Hội đồng điều hành UNESCO ngày 18/10 phê chuẩn nghị quyết quy định chỉ sử dụng tên Hồi giáo của khu đền này trong các văn bản chính thức của Liên hợp quốc (còn tên tiếng Do Thái được đặt trong ngoặc kép như trích dẫn tham khảo). Israel cho rằng nghị quyết này thể hiện "định kiến chống Do Thái" tại Liên hợp quốc./.