Italy: Bùng nổ tranh cãi sau vụ một người nhập cư gây án mạng

Tranh cãi đã bùng nổ trong chính giới Italy sau khi một người nhập cư gốc Côte d’Ivoire bị bắt vì tình nghi giết chết hai cụ già ở ngoại ô Catania, miền Nam nước này.
Nghi phạm Mamadou Kamara. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Tranh cãi đã bùng nổ trong chính giới Italy sau khi một người nhập cư gốc Côte d’Ivoire bị bắt vì tình nghi giết chết hai cụ già ở ngoại ô Catania, miền Nam Italy, trong một vụ cướp của.

Mamadou Kamara, 18 tuổi, một người nhập cư đang trú ở Mineo, trong một trại tiếp nhận ở cách nhà nạn nhân 10km, đã bị bắt hôm 30/8, sau khi bị phát hiện có mang trong người chiếc điện thoại của nạn nhân cũng như quần áo còn dính máu của họ.

Kamara, mới tới Italy hôm 8/6 trên một chiếc thuyền chở hơn 1.000 người nhập cư, bị buộc tội đã giết chết một cặp vợ chồng người cao tuổi tại nhà riêng của họ một ngày trước đó.

Xác của người chồng 68 tuổi được tìm thấy trong tình trạng bị cắt cổ, còn xác của người vợ 70 tuổi được tìm thấy trong vườn nhà, có lẽ bị đẩy xuống từ ban công tầng hai.

Vụ giết người này xảy ra trong hoàn cảnh nhập cư đang ngày càng trở thành vấn đề nhạy cảm, khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân Italy đang hết sức lo lắng cho an ninh của họ, trong khi các lực lượng chính trị bài nhập cư đang lợi dụng điều đó để thổi bùng lên những tranh cãi.

Ngay sau khi Kamara bị bắt, con gái của cặp vợ chồng bị giết hại đã cho rằng, vụ giết người này xảy ra là do "lỗi của nhà nước" và đề nghị Thủ tướng Italy Matteo Renzi tới Catania để tìm hiểu điều này.

"Thủ tướng phải tới đây để giải thích tại sao cha mẹ tôi phải chết như thế này" - bà nói trên truyền hình Italy.

Ngay lập tức, ông Matteo Salvini - lãnh tụ của đảng cánh hữu bài nhập cư Liên đoàn Phương Bắc, đã viết trên trang Facebook cá nhân rằng khẳng định việc xảy ra vụ chết người là "lỗi của nhà nước Italy," đồng thời đổ lỗi cho Thủ tướng Renzi và chính sách tiếp nhận người nhập cư của chính phủ.

Nghị sỹ Giorgia Meloni của đảng cánh hữu Fratelli d'italia cũng lên tiếng đòi hỏi chính phủ phải trả lời câu hỏi, tại sao trung tâm tiếp nhận người nhập cư này không được kiểm soát một cách nghiêm ngặt, trại lẽ ra đã phải được đóng cửa từ lâu và tại sao người Italy lại chết ngay trong nhà mình theo cách tàn bạo như vậy.

Về phía mình, đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền đã chỉ trích các đảng phái đối lập "lợi dụng sự đau đớn do mất mát" của người mất thân nhân để kiếm tìm sự ủng hộ của các cử tri.

Nghị sỹ Emanuele Fiano - người chịu trách nhiệm về chính sách an ninh của đảng Pd, đã tố cáo ông Salvini và các lực lượng cánh hữu "chỉ tạo ra thêm các rắc rối" nhằm làm rối loạn xã hội và không đưa ra được bất cứ giải pháp nào cho vấn đề nhập cư.

Đáp lại những chỉ trích cho rằng, tội phạm đã gia tăng mạnh sau khi trại tiếp nhận Mineo được đưa vào hoạt động cách đây sáu năm, đồng thời tố cáo chính phủ của Thủ tướng Renzi đã mất hoàn toàn khả năng kiểm soát tình hình, Bộ Nội vụ Italy đã đưa ra những con số cho thấy, tỷ lệ tội phạm ở khu vực xung quanh thành phố Catania đã giảm đáng kể trong những năm qua.

Sau khi vụ án mạng xảy ra, quân đội và cảnh sát Italy đã tăng cường canh gác trại Mineo, từng là một căn cứ quân sự của Mỹ ở vùng này. Mineo, với 3.000 người nhập cư đang tạm trú trong đó để chờ đơn xin tị nạn được các nước trong EU chấp nhận, hiện là trại tiếp nhận lớn nhất châu Âu.

Trước khi vụ giết người xảy ra, những người nhập cư ở đây vẫn được phép ra vào tự do và thậm chí có những cáo buộc cho rằng, nhiều người trong số họ đã làm việc chui trong các trang trại ở vùng này.

Sebastiano Maccarone - người đứng đầu trại nhập cư Mineo, nói trên tờ La Stampa rằng: "Nếu đúng Kamara giết người, thì đây là một thảm họa trong lòng một thảm họa khác. Tất cả chúng tôi đều sốc. Đối với mỗi bước tiến lên trong việc hòa nhập vào cuộc sống ở đây thì đây là 10 bước lùi lại."

Một người thân của cặp vợ chồng thiệt mạng cũng nói với La Stampa rằng, "hai vợ chồng vừa mới trở về từ Đức sau nhiều năm làm việc ở đó. Họ không đáng bị chết như vậy."

Vụ án mạng đã gây sốc trong dư luận Italy những ngày qua và làm tăng thêm những nỗi lo lắng về an ninh.

Một cuộc thăm dò dư luận đăng trên tạp chí l'Espresso hồi tháng Bảy cho thấy, tỷ lệ người Italy lo ngại về tình hình an ninh do mối đe dọa mà người nhập cư gây ra đã tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái.

Những cuộc biểu tình và bạo động chống người nhập cư cũng đã xảy ra nhiều hơn trong những tháng qua ở thủ đô Rome và các địa phương khác.

Một loạt các vùng miền Bắc Italy cũng đã chống lại yêu cầu của chính phủ trong việc phân bổ người nhập cư tới trại tiếp nhận ở đây.

Kamara chỉ là một trong số hàng vạn người châu Phi đã vượt biển Địa Trung Hải sang Italy và từ đây nộp đơn xin tị nạn, với hy vọng sẽ có cơ hội được các nước Bắc Âu chấp nhận.

Kể từ đầu năm đến nay, đã có 116.000 người tới Italy bằng đường này và con số sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi thời tiết tốt và biển lặng.

Một phần trong số những người này được chuyển đi, trong khi phần lớn được đưa vào các trại tiếp nhận trên lãnh thổ Italy và chờ đợi số phận của họ được định đoạt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục