Cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 thế giới sáng 13/5

Italy ghi nhận hơn 109.000 ca hồi phục, Nga đứng thứ 2 châu Âu

Theo thống kê của worldometers, tính đến sáng 13/5, thế giới ghi nhận 4.335.709 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có đến 292.291 người tử vong.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo thống kê của worldometers, tính đến sáng 13/5, thế giới ghi nhận 4.335.709 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có đến 292.291 người tử vong.

Italy ghi nhận hơn 109.000 ca hồi phục

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 12/5 công bố nước này ghi nhận thêm 1.402 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 221.216 trường hợp.

Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại Italy tăng lên 30.911 trường hợp (tăng 172 ca) và số ca hồi phục là 109.039 (tăng 2.452 ca).

Cơ quan trên cũng cho biết Italy hiện có 12.865 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 952 ca, giảm 47 trường hợp.

Pháp ghi nhận gần 27.000 ca tử vong

Tính đến tối 12/5, số ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp  COVID-19 tại Pháp là 26.991 người, tăng 348 ca trong 24 giờ qua, bao gồm 17.003 ca trong bệnh viện (tăng 183 ca), 9.823 ca tại viện dưỡng lão và các cơ sở y tế khác (tăng 165 ca).

Hiện có 21.595 bệnh nhân COVID-19 tại Pháp đang nằm viện (giảm 689 ca so với hôm trước), trong đó 2.542 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 170 ca). Bên cạnh đó, 57.785 người đã khỏi bệnh và ra viện.

Trong phiên điều trần trước Hạ viện chiều 12/5, ông Jean Castex, tác giả kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa toàn quốc, đã cảnh báo rằng chính phủ đã chuẩn bị cho khả năng phải thiết lập lại phong tỏa.

[Tây Ban Nha có số ca nhiễm theo ngày thấp nhất trong hơn 2 tháng]

Ông nhấn mạnh rằng nếu các chỉ số xấu đi, Chính phủ sẽ không đợi đến ngày 2/6 - ngày bắt đầu giai đoạn 2 của kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa - mới phản ứng. Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa mới có thể chỉ áp dụng với các địa phương ghi nhận số lượng mắc bệnh cao bất thường.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết ít nhất 5.000 công dân Pháp đang mắc kẹt tại Maroc và 5.000 người khác tại Tunisia từ giữa tháng 3. Trong tháng 4, có 150 chuyến bay đặc biệt đưa 30.000 người Pháp từ Maroc về nước, cũng như 100 chuyến khác đã hồi hương được 17.000 người từ Tunisia.

Cho đến nay, chưa một chuyến bay thương mại nào được lên kế hoạch, vì biên giới ngoài khu vực Schengen tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Hàng chục nghìn người Maroc và Tunisia hiện cũng đang bị mắc kẹt tại Pháp.

Cùng ngày, tập đoàn ADP quản lý các sân bay Paris đã thông báo tăng số tiền dành cho kế hoạch phục hồi lên 450 triệu euro, thay vì 375 triệu như ước tính ban đầu. Tổng giám đốc ADP Augustin de Romanet cũng dự đoán rằng hoạt động của ngành hàng không chỉ đạt khoảng 50% mức bình thường vào mùa Thu tới.

Nga đứng thứ hai châu Âu về số người nhiễm

Nga đã trở thành quốc gia đứng thứ hai châu Âu, sau Tây Ban Nha về số ca mắc COVID-19, với 232.243 ca, tăng 10.899 ca trong vòng 24 giờ qua.

Giới chức nước này cho biết số ca nhiễm mới cao - trung bình hơn 10.000 ca/ngày, cho thấy chiến dịch xét nghiệm quy mô lớn, với khoảng 5,8 triệu người được xét nghiệm tính đến nay.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Moskva, Nga. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong đó, Moskva và khu vực lân cận vẫn là điểm nóng, khi chiếm tới hơn một nửa số ca nhiễm của cả nước.

Các cơ quan chức năng nhận định Nga đã có thể rút kinh nghiệm từ các nước châu Âu, khi nhanh chóng cách ly những người nhập cảnh và có nguy cơ mắc bệnh, chuyển tới bệnh viện và xét nghiệm ngay những đối tượng nghi ngờ nhiễm.

Số ca mắc COVID-19 trong ngày ở Nam Phi tăng kỷ lục

Ngày 12/5, Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này ghi nhận tổng cộng 11.350 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi phát hiện thêm 698 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây cũng là ngày có ca nhiễm cao nhất kể từ khi quốc gia này thông báo ca nhiễm đầu tiên hôm 5/3.

Theo Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize, tỉnh Western Cape, nơi có thành phố Cape Town mang tính biểu tượng của du lịch toàn cầu, hiện là ổ dịch lớn nhất tại Nam Phi với 6.105 ca mắc COVID-19, chiếm 53,8% tổng số ca trên cả nước.

Đứng thứ hai là tỉnh Gauteng, nơi đặt thủ đô hành chính Pretoria và thủ phủ kinh tế Johannesburg, với 2.014 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, chiếm 17,7% tổng số ca.

Đến thời điểm hiện tại, Nam Phi ghi nhận 206 ca tử vong do COVID-19, nhưng 4.357 bệnh nhân mắc COVID-19 ở Nam Phi đã khỏi bệnh.

Cũng trong ngày 12/5, Mỹ đã tặng Nam Phi 1.000 máy thở thế hệ mới nhất với tổng trị giá khoảng 500 triệu Rand (27 triệu USD).

Ai Cập: Số ca nhiễm vượt ngưỡng 10.000

 Bộ Y tế Ai Cập ngày 12/5 thông báo quốc gia này đã phát hiện thêm 347 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 10.093 người.

Bên cạnh đó, số bệnh nhân tử vong do căn bệnh nguy hiểm này cũng tăng lên 544 người, sau khi có thêm 11 trường hợp tử vong trong ngày.

Người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed cho biết đã có thêm 154 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh COVID-19 ở nước này lên 2.326 người.

Bất chấp các biện pháp để kiềm chế dịch COVID-19 mà Chính phủ Ai Cập đang triển khai, số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này vẫn tăng nhanh và vượt mốc 10.000 người, kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên hồi giữa tháng 2 vừa qua.

Cùng ngày, truyền thông Ai Cập đưa tin Trợ lý Bộ trưởng Y tế Ai Cập phụ trách bảo hiểm y tế, bà Niven El-Nahas đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và được đưa tới bệnh viện Abu Khalifa để cách ly. Trước đó, bà El-Nahas đã tự cách ly tại nhà sau khi có các triệu chứng mắc COVID-19.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục