Italy: Hỗ trợ giải quyết 100 container hạt điều có nguy cơ bị lừa đảo

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 9/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đang tích cực hỗ trợ tìm cách giải quyết vụ 100 container hạt điều xuất sang nước này có nguy cơ bị lừa đảo.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy làm việc với hãng tàu COSCO tại cảng Genoa. (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 9/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đang tích cực hỗ trợ tìm cách giải quyết vụ 100 container hạt điều xuất sang nước này có nguy cơ bị lừa đảo.

Trước khi nhận được công văn của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), thông báo một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thanh toán khi xuất khẩu hạt điều sang Italy ngày 8/3, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã nhận được một số lời kêu cứu của các doanh nghiệp và chủ động liên hệ với các chủ tàu, các đối tác Italy để xác minh thông tin và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Thị Bích Huệ cho biết: “Khi nhận được thông tin chính thức của Vinacas, chúng tôi tiếp tục liên hệ với các chủ tàu, xác minh thông tin, cũng như liên hệ các ngân hàng để tìm cách bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Italy. Theo thông tin mới nhất mà Vinacas thông báo, đến nay chỉ còn 34 container của 5 doanh nghiệp là không xác minh được hồ sơ gốc chứ không phải là 100. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Thương vụ để hỗ trợ các doanh nghiệp.”

Ngay sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ của các công ty và Vinacas, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã hướng dẫn những việc cần làm, đồng thời đề nghị các đơn vị có liên quan liên hệ với Tòa án kinh tế quốc tế, Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam có ý kiến với các hãng tàu để họ không giao hàng cho người nhận hàng có bộ hồ sơ gốc tại Italy. Ngày 8/3, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italy đã liên hệ và trực tiếp đến hãng tàu COSCO tại thành phố cảng Genoa, phía Tây Italy.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh cho biết: “Hãng COSCO đã đồng ý không giao lô hàng cho người mua trong nhóm nghi vấn là lừa đảo, mặc dù họ đã có chứng từ gốc, đã nộp phí cảng và đang đòi lấy container ra khỏi cảng. Hãng đã tạm thời ngừng vài ngày để phía Việt Nam có thời gian tiếp tục xử lý. Thương vụ đề xuất nên làm việc tương tự với các hãng tàu tại Việt Nam thì sẽ không phức tạp như vậy, bởi đó là nơi xuất phát, là nơi trả tiền thanh toán cước vận chuyển, cũng như hàng hóa là của Việt Nam 100%.”

Theo Tham tán Nguyễn Đức Thanh, đó là cách để giảm tối đa tổn thất cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn hàng cấp tập về tới các cảng Italy, nên cần huy động nhiều nguồn lực hơn.

[100 container hạt điều xuất sang Italy có nguy cơ bị lừa đảo]

Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã gửi công hàm đến các cơ quan sở tại như Bộ Ngoại giao, Bộ kinh tế phát triển cùng các cơ quan chức năng có liên quan, cũng như các phòng thương mại, ngân hàng, các đối tác có thể hỗ trợ trong vụ việc có giá trị lớn và ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp này.

Italy là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn thứ 11 trên thế giới. Còn Việt Nam, nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, với hạt điều chất lượng cao, ngon nên rất có tiếng tại thị trường Italy.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Italy đạt 45 triệu USD, chiếm 59% kim ngạch nhập khẩu của nước này. Con số đó chưa tính số lượng hạt điều Việt Nam xuất sang Hà Lan, Đức và một số nước qua đường bộ vào Italy. Một container hạt điều có giá trị khoảng 200.000 USD, nên mặt hàng này là đối tượng của các công ty lừa đảo.

Cách đây hơn 2 năm, Thương vụ Việt Nam tại Italy đã giúp xử lý vụ lừa 2 container hạt điều, do một công ty Tây Ban Nha mua, yêu cầu gửi hàng đến cảng ở Hy Lạp, gửi từ Italy giấy xác nhận giả của ngân hàng là đã chuyển tiền cho nhà xuất khẩu Việt Nam và đã được phía Việt Nam gửi bộ chứng từ gốc.

Vụ việc hiện nay lớn hơn nhiều, có khả năng gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người lao động. Bài học rút ra là các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa nên trực tiếp liên hệ với Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại các nước để được hỗ trợ các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu trước khi ký hợp đồng.

Khi có nghi vấn thì cần nhờ Đại sứ quán, Thương vụ kiểm tra xác minh doanh nghiệp sở tại. Trong trường hợp phát sinh mâu thuẫn sau khi ký, hoặc đã gửi hàng đi thì việc xử lý sẽ rất khó khăn, vất vả, nhiều khi không lấy lại được hàng, không lấy lại được chứng từ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục