Italy tức giận vì EU không cắt giảm lãi suất để nước này ngăn COVID-19

Italy phản đối quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không cắt giảm lãi suất trong bối cảnh nước này đang trải qua giai đoạn khó khăn do đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19.
Một cửa hàng tại Rome, Italy, đóng cửa ngày 12/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính phủ Italy đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ sau quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không cắt giảm lãi suất và vẫn giữ nguyên lãi suất chủ chốt, trong bối cảnh đất nước này đang phải "căng mình" đối phó với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trong tuyên bố ngày 13/3, Tổng thống Italy Sergio Mattarella cho rằng Italy đang trải qua giai đoạn khó khăn và kinh nghiệm trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV2 gây COVID-19 sẽ hữu ích với tất cả quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Do đó, Italy mong đợi các sáng kiến đoàn kết vì lợi ích chung, không phải những sáng kiến gây cản trở hành động.

Trong khi đó, Thủ tướng Giuseppe Conte khẳng định trong thời điểm đặc biệt khó khăn hiện nay, Italy đang phối hợp với các quốc gia và các thể chế của EU để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Ông nhấn mạnh sẽ không chấp nhận các quan điểm lý giải các biện pháp can thiệp của nước này một cách hình thức và trừu tượng, mà không xét đến nhu cầu thực sự của người dân.

Theo Thủ tướng Conte, EU yêu cầu các nước thành viên triển khai các biện pháp mạnh để ứng phó hiệu quả với tình trạng khẩn cấp về y tế. Đặc biệt, trách nhiệm của ECB không phải là cản trở, mà tạo điều kiện cho các can thiệp của các chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi về tài chính.

Tuyên bố được đưa ra sau khi ECB quyết định không cắt giảm lãi suất, giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức -0,5% và thông qua gói kích thích kinh tế trị giá lên tới 120 tỷ euro (135 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế châu Âu, các ngân hàng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

[Infographics] Số ca tử vong COVID-19 tại Italy cao thứ 2 thế giới

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Milan trong ngày 12/3 đã lập tức có phản ứng với quyết định trên của ECB khi ghi nhận phiên ảm đảm nhận trong lịch sử với chỉ số FTSE-Mib của Milan sụt giảm 16,9%, xuống 14.894,44 điểm.

Tại thị trường chứng khoán Frankfurt cũng sụt giảm mạnh, chỉ số DAX đã mất 10,7%, xuống 9.308 điểm, trong khi chỉ số EuroStoxx50 cũng giảm 11,4% giá trị, xuống còn 2.574 điểm.

Liên quan tới nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 tại Italy, ngày 12/3, đoàn chuyên gia Trung Quốc gồm 9 thành viên là các y, bác sỹ và chuyên gia y tế đã tới Italy để hỗ trợ nước này ứng phó với tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan mạnh.

Đây cũng là nhóm chuyên gia thứ ba của Bắc Kinh gửi tới các nước nhằm hỗ trợ ngăn chặn dịch bệnh bùng phát bên ngoài Trung Quốc.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng gửi nhiều trang thiết bị y tế và hàng nghìn khẩu trang tới hỗ trợ Italy ứng phó dịch bệnh.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Luigi Di Maio ngày 10/3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẵn sàng gửi 100.000 khẩu trang, 20.000 bộ quần áo bảo hộ y tế, 50.000 que thử xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tới Italy để hỗ trợ chẩn đoán bệnh, và sẽ ưu tiên Italy trong các đơn đặt mua máy hỗ trợ thở.

Hiện,  Trung Quốc đã sẵn sàng cung cấp khoảng 1.000 máy hỗ trợ thở cho Italy.

Theo số liệu chính thức từ Cơ quan Bảo vệ Dân sự, tính đến ngày 12/3, Italy ghi nhận thêm 2.651 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 15.113 trường hợp, trong đó có 1.016 ca tử vong, 1.258 trường hợp đã hồi phục.

Lombardia tiếp tục là vùng có tổng số ca nhiễm bệnh cao nhất Italy với 8.725 trường hợp (tăng 1.133 trường hợp so với ngày 11/3)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục