John McCain tin rằng ông Obama đã bị ông Putin “dắt mũi”

Sự thất vọng của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không còn có thể kìm nén khi ông có bài phát biểu gay gắt bảo vệ chính sách đối ngoại của Mỹ hiện giờ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) cần tăng cường sự hiện diện tại khu vực Đông Âu (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sự thất vọng của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không còn có thể kìm nén khi ông có bài phát biểu gay gắt bảo vệ chính sách đối ngoại của Mỹ hiện giờ, cụ thể là trong cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như Syria, đáp lại những người chỉ trích đã nói Mỹ quá yếu ớt trên mặt trận ngoại giao.

Tổng thống Mỹ đã cố gắng giữ kiên nhẫn trong chuyến công du châu Á, kết thúc ở Philippines vào thứ Ba vừa rồi, sau khi phải đối mặt với nhiều câu hỏi và tranh luận về việc ông đã không để lại dấu ấn trên trường quốc tế trong một thế giới mà ảnh hưởng của Mỹ đang có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng.

Chuyến công du bốn nước châu Á của ông là với ý định củng cố lại một định hướng chủ chốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ, chuyển hướng sang châu Á, một chính sách đã bị lơ là trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, việc ông Obama không thể ngăn cản được Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine, tình hình Trung Đông tiếp tục hỗn loạn và bế tắc kéo dài ở Syria đã khiến những chỉ trích nhắm vào chính sách ngoại giao của Mỹ ngày càng gay gắt.

Ông Obama cũng phải trấn an các đồng minh của Mỹ ở châu Á đang lo ngại Trung Quốc biểu dương sức mạnh của họ một cách thái quá, rằng dù miễn cưỡng trong việc lao vào một cuộc chiến, cam kết của Washington vẫn là vững chắc.

Hiếm khi mất bình tĩnh trước công chúng, nhưng ông Obama đã phản ứng quyết liệt trước các bình luận về chính sách đối ngoại của ông trong chuyến đi, khiến nhiều người nhớ lại các cuộc tranh luận mà ông đã nổi nóng với ứng viên tổng thống của phe Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc tranh cử năm 2012.

Ông Obama đã gọi việc can thiệp vào Iraq là “cuộc chiến ngu ngốc” và nước Mỹ phải tránh những “sai lầm” như việc can thiệp vào Afghanistan và Việt Nam. “Có thể là không hấp dẫn, không được chú ý nhiều, nhưng chúng ta đã tránh được những sai lầm”, ông nói trong một cuộc họp báo ở Manila hôm thứ Hai.

Trong khi những người chỉ trích nói Mỹ quá rụt rè, ông Obama nói việc chấm dứt các cuộc phiêu lưu ở nước ngoài tại Iraq và Afghanistan là những động thái khôn ngoan, khi những cuộc chiến này đã tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của Mỹ, và tạo ra một thế hệ mới những lính Mỹ chết trên chiến trường.

Ông cũng rất tức giận với những người phe Cộng hòa đã tô vẽ ông là một tổng thống hèn nhát vì không tiến hành các chiến dịch quân sự, hay ít ra là vũ trang cho quân nổi dậy ở Syria hay chính quyền lâm thời ở Ukraine.

“Với tư cách tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, tôi chỉ sử dụng quân đội như giải pháp cuối cùng, và phải sử dụng một cách khôn ngoan”, ông Obama nói. “Hầu hết những kẻ bình luận về chính sách đối ngoại nghi ngờ những chính sách của chúng tôi sẽ bị kéo vào hàng loạt cuộc phiêu lưu quân sự bất tận mà người dân Mỹ không hề hứng thú tham gia và không có ích gì cho những lợi ích an ninh cốt lõi của chúng ta”.

Ông không nêu tên cụ thể một người nào, những người chỉ trích ông dữ dội nhất có lẽ là thượng nghị sĩ có lập trường diều hâu của phe Cộng hòa John McCain, cũng là đối thủ của ông trong cuộc đua tổng thống năm 2008.

“Tôi cho rằng ngài tổng thống không nghĩ nước Mỹ là một quốc gia đặc biệt. Và nếu nước Mỹ không dẫn dắt, những người khác sẽ dẫn dắt”, ông McCain nói trên đài PBS tháng này. Ông McCain tin rằng ông Obama đã bị ông Putin dắt mũi và làm thất vọng các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông khi không tấn công Syria.

“Quốc gia giàu có và hùng mạnh nhất thế giới có nhiều giải pháp để thực thi quyền lãnh đạo trong thế giới hiện tại”, ông McCain nói. “Chúng ta phải có những bước đi để những kẻ xấu xa trên thế giới này thấy rằng chúng sẽ phải trả giá đắt nếu làm những việc vi phạm nghiêm trọng các quy chuẩn quốc tế”.

Các quan chức chính phủ Mỹ rất bực tức vì thỏa thuận giải giáp vũ khí hóa học của Syria với Nga bị chỉ trích là một thất bại. Thỏa thuận đó được nhất trí vào phút chót ngay trước khi ông Obama ra lệnh không kích Damascus. Nhà Trắng nói hơn 90% vũ khí hóa học của Syria đã được giải giáp, và coi đó là một thắng lợi của chính sách ngoại giao.

Ông Obama cũng giận dữ vì những cáo buộc nói ông bỏ mặc Kiev trong cuộc khủng hoảng Ukraine, dù hôm thứ Hai, ông đã tuyên bố các lệnh cấm vận mới với những người thân cận của ông Putin. “Liệu mọi người có thật sự nghĩ rằng nếu chúng ta đưa thêm vũ khí vào Ukraine sẽ khiến quân đội Nga sợ hãi?” ông Obama đặt câu hỏi.

Lời lẽ có phần chua cay của ông Obama có thể xuất phát từ sự thất vọng với những thành tích đối ngoại của Mỹ thời gian qua, dù trước đó ông từng ghi thành tích tốt với vụ tiêu diệt Osama bin Laden./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục