Kế hoạch ''giành lại'' bố cho con của người mẹ thông minh

Sau khi có con, bạn chắc chắn sẽ thành một người mẹ, bạn phải “nhập cuộc” nhanh nhất có thể trong khi người đàn ông của cuộc đời bạn vẫn đang loay hoay với tên gọi mới, nhiệm vụ mới…

Sau khi có đứa con đầu lòng, bạn sẽ vô cùng thấm thía câu này: “90% các bà mẹ dù có chồng hay không thì sẽ vẫn phải nuôi con như single mom." Nếu bạn không thuộc 10% may mắn, ok, bài viết này dành cho bạn!

Sau khi có con, bạn chắc chắn sẽ thành một người mẹ, đứa trẻ “bám dính” vào bạn, khơi gợi bản năng của bạn, bạn phải “nhập cuộc” nhanh nhất có thể. Còn người đàn ông của cuộc đời bạn vẫn đang loay hoay với tên gọi mới, nhiệm vụ mới… Trong khi tay phải anh ấy còn đang bận với máy chơi game, tay trái vẫn dang dở cuộc hẹn nhậu của đám bạn kêu gào: “Ông nội ơi tỷ năm chưa gặp."

Một điều tất yếu và rất dễ xảy ra, là bạn ngập trong quần áo bỉm sữa, kế hoạch giảm cân sau sinh để thành Hà Hồ hay Hà Tăng dần dần biến mất, bạn thấy cái bụng ục ịch của mình ngày càng giống… Hà Mã. Cả ngày, bạn cho con ti, tắm rửa cho con, quanh quẩn bên con… Sau một tháng ở cữ thì đi chợ, nấu nướng cho cả nhà, dỗ con khóc rồi… đánh thức chồng dậy… Có những đêm đồng hồ sắp chỉ sang ngày mới rồi vẫn không thấy bố đứa bé đâu.

Trầm cảm, hoang mang, bất mãn sẽ là bạn đồng hành cùng bạn. Và sớm thôi, bạn sẽ thấy mình hét lên: Anh là bố đẻ hay bố dượng của con tôi?”

Hành trình tìm lại bố cho con, lúc đó, xin phép được bắt đầu.

Bước 1: Cắt một bánh răng trong chuỗi dây chuyền

Mọi thứ, ngày qua ngày đã trở thành thói quen. Muốn thay đổi thói quen là việc không phải dễ, bạn muốn “bố bọn trẻ” chia sẻ việc nhà, việc con… Muốn nhìn thấy cảnh bố chăm sóc âu yếm lo toan cho con “như trong phim." Tôi hiểu. Nhưng bạn cứ hãy tạm giữ giấc mơ ấy trong lòng. Tuyệt đối không cằn nhằn càm ràm “Anh không giống bố em, anh thua xa đồng nghiệp em, anh chẳng bằng một nửa… chồng cô hàng xóm!” Chúng ta vốn đã không nhiều thời gian, nên đừng khơi ra một cuộc chiến không cần thiết.

Việc nhanh nhất, là bạn phải dũng cảm “đạp đổ” thế cân bằng, bằng một sự vắng mặt. Sự vắng mặt này cần có một lý do chính đáng và chuẩn bị “tương đối” tươm tất. Ngon lành nhất là chuyến công tác một ngày một đêm, đủ dài để chồng bạn “tận hưởng” cảm giác con mọn, đủ ngắn để em bé của bạn không quá mệt vì bị đói, bị lạ…

Hãy chuẩn bị bằng việc tập cho con ăn sữa bằng bình vài tuần trước đó, tủ lạnh đủ sữa trữ đông, dán nhãn cụ thể lên các ngăn kéo chỗ nào để khăn chỗ nào để bỉm… Tin tôi đi, dù đồ vật biết nói tiếng người, ông chồng của bạn cũng vẫn cuống lên như thường.

Bước một này sẽ khó công hiệu khi hai bạn đang cùng sống với bố mẹ chồng. Vậy nên cần lựa lúc ông bà (hoặc bà nội) vắng nhà. Nếu ông bà lúc nào cũng ở nhà, bạn hãy nâng hẳn “level” lên ba ngày ba đêm. Tin tôi đi và đừng xót con, đấu tranh là phải gan lỳ.

[Thanh Vân Hugo: Tôi đủ tỉnh táo để không ăn chiếc bánh của người khác]

Bước 2: Em đẹp, em có quyền (nhờ)

Kinh nghiệm của riêng tôi là: đàn ông nếu như vợ không nhắc nhở thường xuyên, vợ không “sai vặt,'' vợ không chia sẻ mà cứ im lặng chịu đựng thì các ông chồng sẽ coi vợ là ''siêu nhân,'' vợ làm được hết, vợ làm tốt hơn mình và “có thấy vợ nói gì đâu, tưởng mọi thứ vẫn ok!”

Đàn ông là giống ham vui và háo sắc. Đó là lý do tại sao từ đời bà đến đời mẹ chúng ta vẫn dạy rằng khi chồng bước về nhà, dù trong lòng đang nổi sóng, dù ngày hôm nay của bạn đen hơn đám mây tạo bão, thì cũng hãy đón chồng bằng bộ mặt tươi vui (nhất có thể).

Đừng phàn nàn với tôi rằng tại sao phải sống “giả tạo” như thế, tại sao cùng là con người mà bạn phải cố gắng khéo léo đủ đường, còn “đối phương” thì vô tư như chuồn chuồn. Thôi nào, chúng ta không nói chuyện bình đẳng ở đây, chúng ta đang nói chuyện “luận chiêu trị chồng."

Đàn ông ham vui, vậy thì sao bạn không vui vẻ một chút? Chẳng thiệt đi đâu cả, tôi thật.

Thế nên, là phụ nữ, bạn nhất định phải đẹp. Ai cũng mang thai, ai cũng sinh con. Khi mang thai ai cũng tăng cân, nhưng sau ba tháng có người dáng dấp ngon lành, có người như vẫn đang còn đứa nữa nằm lỳ trong bụng.

Ăn nhau là ở quyết tâm làm đẹp. 1.000 lượt nhảy dây, 500 cái gập bụng tại giường mỗi ngày đủ giúp bạn lấy lại dáng sau ba tháng. Khi bạn bình tĩnh, ngon nghẻ, tươi tỉnh, nói thật là chuyện gì cũng dễ dàng.

Nhắc lại lần nữa, bạn đừng bao giờ sa đà và tốn thời gian vào những tranh luận như công việc của ai vất vả hơn, ai phải làm nhiều việc hơn, ai cần được nghỉ ngơi… bởi tất cả đều không đi đến đâu. “Chiến thuật” của tôi, đó là luôn đón chồng bằng một nụ cười tươi và bữa cơm nóng sốt nhất có thể.

Việc tạo cảm giác vui vẻ, nhẹ nhõm cho chồng khi trở về nhà sẽ là tuyệt chiêu vàng giúp bạn dễ dàng lôi kéo anh ấy vào việc giúp đỡ mình chăm sóc con cái. Sau khi bụng no đẫy vì những món ăn ngon, bạn hãy thơm lên má chồng, thỏ thẻ bảo em mệt quá, giá mà có ai rửa bát trông con chút xíu hộ em?

Nếu lúc ấy rồi, mà anh chồng nào vẫn ngoan cố không chịu giúp vợ, thì kế hoạch tiếp theo của chúng ta sẽ là tìm một ông bố mới, một ông chồng mới hẳn hoi cho đời chúng ta.

Bước 3: Mắt nhắm mắt mở thôi nào

Chia sẻ với bạn, độ “ngứa mắt, nóng máu” sau khi chồng làm việc, sờ vào bát thấy cái nào cũng nhơn nhớt ẩm mùi dầu rửa, đám quần áo bỏ máy quên tiệt không phơi, sàn nhà sũng sĩnh nước sau khi lau, em bé sau khi ăn bẩn thỉu nhoe nhoét… là rất lớn. Nhưng kìm chế, hãy kìm chế, sắp đến đích rồi!

Đừng làm toáng lên rằng: “Em đã bảo mà, anh chẳng làm được việc gì, anh chẳng biết cái khỉ gì, trăm công nghìn thứ đổ lên đầu người vợ khốn khổ này!”

Khi nhờ chồng giúp đỡ, bạn cũng cần lưu ý nên nói thật cụ thể công việc và hãy cố gắng làm sao cho anh ấy cảm thấy việc mình muốn nhờ thực sự rất đơn giản. Hãy giao cho anh ấy từng việc một thôi, và nếu anh ấy làm chưa được, đừng cằn nhằn. Bát bẩn thì bạn rửa lại, nhà bẩn bạn lau lại… Ngày mai hãy bảo anh ấy xả nước rửa bát thêm nhiều chút, vắt giẻ lau nhà khô một chút. Mắt nhắm mắt mở thôi.

Cũng đừng để chồng loay hoay một mình, chúng ta không cần một người làm cho, mà cần một người làm cùng. Ví dụ, bạn nhờ chồng thay bỉm cho bé, hãy chủ động đi lấy giúp anh khăn ướt và bỉm mới. Điều này khiến anh ấy không bao giờ “phẫn nộ” vì cảm thấy mình đang phải một mình xoay sở với em bé và luôn tự tin vì đã có vợ sẵn sàng hỗ trợ.

Hãy cố gắng kìm chế, đừng tỏ ra coi thường chồng vụng hay cố gắng “chỉnh” chồng lúc anh ấy đang chăm con. Sẽ có lúc bạn nhìn thấy anh ấy bế con ăn mà sai tư thế, dùng khăn lau mông con lại không lau đúng chiều, cũng đừng chê bai. Miễn là con được ăn đúng giờ, mông luôn khô ráo và khi khóc đã có bố dỗ dành, chỉ cần vậy thôi.

Đừng tiếc lời khen chồng. Đàn ông cũng rất cần những lời động viên từ vợ và cảm thấy mình xứng đáng là chỗ dựa cho hai mẹ con./.

Sự chia sẻ làm nên gia đình hạnh phúc. Sau tất cả những chiêu trò, cuối cùng vẫn là sự đồng cảm và đồng lòng. Bạn cần một người chồng, “bảo bối” cần một người cha tình cảm. Hãy khơi gợi tình yêu của anh ấy với con, hãy dành cho anh ấy tình yêu và sự bao dung, dịu dàng của một người phụ nữ. Không có “tuyệt chiêu” nào là tuyệt đối, hãy để tình yêu và sự sáng suốt dẫn lối cho bạn!

Bài : Em Kiều
Ảnh: TH

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục