Trước cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng 11 này bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina, Bắc Kinh đã đưa ra nhiều thành ý.
Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ đã làm thay đổi bản đồ chính trị ở Mỹ, khiến hai bên khó đạt được một thỏa thuận giải quyết căng thẳng thương mại tại cuộc gặp nói trên.
Ngày 5/11, Tập Cận Bình cam kết sẽ tăng cường nới lỏng các điều kiện gia nhập thị trường, thúc đẩy mở cửa trong các lĩnh vực viễn thông, giáo dục, y tế, văn hóa…, trừng phạt hành vi xâm hại quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là hành vi xâm hại bản quyền tri thức.
Cam kết này được cho là nhằm tạo bầu không khí tốt đẹp cho cuộc gặp Mỹ-Trung, dự kiến diễn ra vào ngày 29/11.
[Phản ứng của Nga, Trung Quốc sau cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ]
Sau đó, hãng tin Reuters đưa tin Trung Quốc mới đây đã cấp phép lưu hành 16 nhãn hiệu hàng hóa thuộc hãng thời trang của Ivanka Trump, con gái kiêm cố vấn không chính thức của Trump.
Dư luận tin rằng Bắc Kinh muốn thông qua việc này thể hiện thành ý với Mỹ và mong muốn căng thẳng giữa hai bên sẽ giảm xuống.
Về phía Mỹ, cũng trong ngày 5/11, Trump bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại bình đẳng với Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát tại Hạ viện trong bầu cử giữa nhiệm kỳ, hy vọng về việc đạt được thỏa thuận giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã giảm xuống.
Hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) dẫn nguồn tin có quan hệ thân thiết với giới chức ngoại giao Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh luôn quan tâm tới các cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, nhưng đối với cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, Bắc Kinh dành sự quan tâm cao độ chưa từng có.
Về khách quan, Bắc Kinh hy vọng đảng Dân chủ đối lập giành quyền kiểm soát cả hai viện trong Quốc hội Mỹ, từ đó sẽ gây ảnh hưởng tới chính sách của Trump đối với Trung Quốc, thậm chí có thể tiến hành luận tội Trump, đe dọa ngôi vị tổng thống của ông.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu cao cấp Derek Scissor thuộc Viện Nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ (một cơ quan tư vấn chính sách cho chính quyền Mỹ thuộc phái bảo thủ), dù đảng Dân chủ đã giành được đa số ghế ở Hạ viện sau bầu cử giữa kỳ, nhưng chính sách kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc “gần như không bị ảnh hưởng.”
Trong một phát biểu được đài BBC tiếng Trung dẫn lại, Derek Scissor nhấn mạnh ngay cả khi đảng Dân chủ nắm trong tay cả hai viện trong Quốc hội Mỹ thì đại bộ phận thành viên của đảng này ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại hơn là đảng Cộng hòa.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Singapore David Adelman cũng cho rằng chính quyền Trump và những người Cộng hòa ủng hộ Trump đương nhiên có thái độ cực đoan đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, về truyền thống, đảng Dân chủ có khuynh hướng thiên về chủ nghĩa bảo hộ hơn. Sau bầu cử giữa kỳ, chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Trump sẽ không thay đổi nhiều.
Về khả năng Mỹ-Trung giải quyết căng thẳng thương mại, theo Derek Scissor, phe Dân chủ sẽ tận dụng từng cơ hội để ngăn chính quyền Trump đạt được thỏa thuận với Trung Quốc.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Quan hệ ngoại giao Mỹ James Lindsay cũng nhận định nếu Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại, phe Dân chủ dù xuất phát từ tính toán chính sách hay chính trị đảng phái - đều có động cơ để chỉ trích chính quyền Trump không nỗ lực đạt được thỏa thuận có lợi hơn cho nước Mỹ.
Nói cách khác, như nhận định của Phó Giáo sư Zhao Ma thuộc khoa Đông Á, trường Đại học Washington, kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ có thể càng khiến quan hệ Mỹ-Trung phức tạp./.