Kết quả khai quật di tích mộ cổ đầu tiên tại tỉnh Bến Tre

Kiến trúc nổi toàn bộ quần thể hiện rõ bao gồm 2 ngôi mộ: mộ lớn song tán và mộ nhỏ đơn tán nằm hướng vuông góc vào thân bên trái của mộ lớn.
Ngôi mộ cổ hơn 200 năm tuổi ở Chợ Lách, Bến Tre. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Ngày 18/7, Bảo tàng tỉnh Bến Tre phối hợp với Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức báo cáo kết quả khai quật ngôi mộ nằm ở khu phố 2, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Quần thể mộ hợp chất ở khu phố 2, thị trấn Chợ Lách, huyện Chợ Lách, Bến Tre được tiến hành khai quật từ ngày 26/4-7/5, là di tích mộ cổ đầu tiên được khai quật khoa học trên đất Bến Tre.

Kiến trúc nổi toàn bộ quần thể hiện rõ bao gồm 2 ngôi mộ: mộ lớn song tán và mộ nhỏ đơn tán nằm hướng vuông góc vào thân bên trái của mộ lớn. Ngôi mộ lớn kiến thiết dành cho song táng với kiểu thiết kế theo kiến trúc nhà dân truyền thống chữ “nhị” gồm 3 gian nối liền nhau: nhà bia, nhà mồ, cột địa tầng. Ngôi mộ nhỏ được thiết kế giống dạng miếu thờ. Mộ có cửa hướng chính Tây, phần trước có bia mộ quay vào ngôi mộ lớn.

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Đức Mạnh, Trưởng bộ môn Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chủ trì việc khai quật cho biết, những di tích mộ vừa được khai quật và phát hiện trên địa bàn huyện Chợ Lách chứa đựng các di tồn vật liệu và kiến trúc mang dấu ấn chung của dạng mộ hợp chất quý tộc Việt Nam thời Trung và Cận đại (từ cấu trúc Nhà Bia gắn Nhà mồ kiểu nhà Việt truyền thống, cặp trụ cổng hình búp sen hay “đuốc thiêng,” lối trang trí cửa giả, cột giải, ngói ống, rãnh thoát nước...).

Vì vậy, có thể đoán định mộ chủ quần thể lăng hợp chất Chợ Lách là quý tộc Nguyễn quyền uy thời bấy giờ. Niên đại thành tạo của di tích mộ hợp chất song táng và đơn táng Chợ Lách khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX.

Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Đức Mạnh cũng khẳng định đây là lần đầu tiên ở Nam bộ và ở cả Việt Nam, chúng ta ghi nhận được loại hình lăng tẩm có nhà mồ hợp chất, chỉ có huyệt đất và đào sâu tới 275cm.

Đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận có loại hình nhà mồ hợp chất hoàn chỉnh dành chôn trẻ em, lại chôn kế bên mộ song táng người lớn cùng lối thiết kế và trang trí như mộ đơn táng.

Ở cả Việt Nam, trường hợp người chết trẻ được ưu ái nằm bên cạnh cha mẹ chỉ thấy trong Quần thể di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia Bình San (Hà Tiên, Kiên Giang).

Ngoài ra, những đặc điểm riêng của Bến Tre lần đầu tiên được biết ở Việt Nam như lần đầu tiên thấy dạng mộ song táng và đơn táng chôn trong huyệt đất và tạo các nền móng bằng gạch đá ong Biên Hòa và gạch đinh, cùng lối gắn đắp miểng sành sứ trên mui luyện, tô vẽ nhà mồ kiểu trang trí võ ca của đình đền và sử dụng màu đen nâu đỏ.

Cũng lần đầu thấy việc sử dụng xơ dừa làm “vật chèn” khi khâm liệm và chôn theo các viên bi đồng, trái dừa nước, tàn tích vỏ bần cổ thụ và cọng cây ráng…

Đây là những phát hiện mới, những tư liệu khoa học sáng giá loại hình di sản mộ hợp chất phục vụ trưng bày ở Bảo tàng Bến Tre../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục