Kết quả thi hành án dân sự năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay

Kết quả thi hành án dân sự năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng, trong đó có trên 20.000 tỷ đồng thu hồi từ các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 25/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác giữa nhiệm kỳ và triển khai công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ 2021-2026 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố dự Hội nghị.

Khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Theo báo cáo, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành tư pháp đều tăng so với năm 2022, trong đó, một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ, ngành tư pháp coi trọng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hóa những quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Năm 2023, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 10 Phiên họp Chuyên đề về Xây dựng Pháp luật.

Đặc biệt, ngành tư pháp đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 126 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình Xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 5 Nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật.

Chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được nâng cao.

Năm 2023, Bộ Tư pháp đã thẩm định 44 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 237 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 543 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các địa phương đã thẩm định hơn 7.000 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đặc biệt, trong năm, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101 của Quốc hội; rà soát các quy định pháp luật để phục vụ triển khai Đề án phát triển và ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.

Công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tăng cường, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều mô hình hay, hiệu quả.

Tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực tham mưu, tổ chức thành công nhiều sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.

Đặc biệt, việc tổ chức Hội thi Hòa giải viên Giỏi Toàn quốc lần thứ IV đã thu hút sự tham gia của 63 đội thi đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhận được sự đánh giá cao của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở.

Đáng chú ý, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý đều tăng, nhưng kết quả thi hành án dân sự năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng, trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022.

Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ tác động đến hầu hết các lĩnh vực, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp đã xây dựng, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, nhất là việc tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản để thực hiện chiến lược phòng, chống dịch COVID-19, các giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, xác lập và vận hành trạng thái bình thường mới cho các hoạt động kinh tế-xã hội.

Xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án

Năm 2024, Bộ, ngành tư pháp kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 11-KH/TW của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Bộ Tư pháp thực hiện nghiêm Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội, Chính phủ giao; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

Ngoài ra, tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành tư pháp theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch Chuyển đổi Số ngành tư pháp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ, ngành tư pháp tập trung sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định liên quan hoạt động kinh doanh; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bổ trợ tư pháp; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục