Ngày 23/3, Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 144 diễn ra tại Bali (Indonesia), đã nhất trí thông qua “Nghị quyết hòa bình về cuộc xung đột tại Ukraine, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và toàn vẹn lãnh thổ.”
Nghị quyết ghi nhận lo ngại rằng cuộc xung đột tại Ukraine đang đe dọa an ninh toàn cầu với những bất ổn kinh tế tiềm ẩn trong tương lai, đồng thời kêu gọi tất cả các nghị viện thành viên IPU hỗ trợ các nỗ lực giảm leo thang căng thẳng.
Nghị quyết kêu gọi các nghị sỹ Nga và Ukraine “thúc đẩy các sáng kiến nhằm chấm dứt các hành động thù địch và giải quyết mâu thuẫn thông qua các biện pháp ngoại giao, hòa bình.”
Nghị quyết cũng nhấn mạnh IPU như một nền tảng tiềm năng nhằm thúc đẩy hòa bình thông qua các cơ chế như Nhóm chuyên trách của IPU quy tụ các nghị sỹ đại diện cho các nhóm địa chính trị khác nhau tại IPU.
[Đại Hội đồng IPU-144 chú trọng các vấn đề an ninh và hòa bình]
Cuối cùng, nghị quyết kêu gọi các nghị viện thành viên IPU tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo cho những người buộc chạy trốn khỏi cuộc xung đột này; đảm bảo sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ vào các cuộc đối thoại hòa bình giữa nghị sỹ hai nước.
Trước đó tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng nghị quyết chưa phản ánh khách quan, thông tin một chiều cần được kiểm chứng và trong lịch sử IPU chưa có tiền lệ ra nghị quyết lên án một bên trong các cuộc xung đột; IPU luôn giữ vai trò trung gian hòa giải, thúc đẩy hòa bình, hợp tác trên thế giới. Mặt khác, nhiều ý kiến cũng kêu gọi IPU phát huy vai trò thúc đẩy đối thoại vì các giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.
Về phần mình, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tái khẳng định rằng hòa bình và hợp tác luôn là ưu tiên hàng đầu và mục tiêu của Việt Nam; cũng là tôn chỉ, mục đích cao cả của IPU ngay từ những ngày đầu thành lập cách đây 133 năm.
Đoàn Việt Nam nhấn mạnh mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, bình đẳng chủ quyền, tôn trọng độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Trên cơ sở đó, Việt Nam rất lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine. Việt Nam kêu gọi cần kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất; giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh.
Việt Nam cũng ghi nhận những nỗ lực đàm phán giữa các bên và mong rằng các bên bảo vệ an toàn, an ninh của người dân, cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu phù hợp với luật nhân đạo quốc tế./.