Tạp chí The Economist của Anh cho rằng những cải cách sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã giúp hệ thống ngân hàng hoạt động tốt hơn, nhưng không vì thế mà ngành ngân hàng có thể hoàn toàn yên tâm.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, khi các nhà tài chính và chính phủ điều chỉnh lại hệ thống tài chính để hệ thống này trở nên an toàn hơn, hầu hết họ cho rằng một cú sốc tồi tệ như cuộc khủng hoảng dưới chuẩn có thể là điều đã quá xa vời.
Trên thực tế, điều này đã quay lại chỉ sau khoảng một thập kỷ. Các biện pháp phong tỏa đã dẫn đến một cuộc suy thoái nghiêm trọng dự kiến sẽ gây ra những thiệt hại lớn đối với những khoản vay mượn mà các công ty và hộ gia đình đang gánh chịu.
Vậy các ngân hàng “quá lớn để sụp đổ” đã thực sự an toàn hơn?
Các đợt kiểm tra, đánh giá khả năng của các ngân hàng mới nhất do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện đã cho thấy câu trả lời ở Mỹ là “Có.”
Ngày 25/6, Fed đã công bố kết quả đánh giá hàng năm, với việc so sánh tiền dự phòng của các ngân hàng với những thiệt hại mà các ngân hàng có thể phải đối mặt trong trường hợp suy thoái kinh tế.
Trong một kịch bản xấu hình “chữ U,” theo đó nền kinh tế phải đối mặt với việc giãn cách xã hội kéo dài và sự tái bùng phát của dịch bệnh, Fed cho rằng các ngân hàng sẽ phải đối mặt với tổng thiệt hại hơn 700 tỷ USD.
Con số này vượt xa trường hợp xấu nhất là 465 tỷ USD được dự tính năm 2009, khi Fed lần đầu tiên thực hiện đánh giá khả năng chống chịu khủng hoảng của các ngân hàng.
Kịch bản năm nay ước tính mức thiệt hại chung đối với các khoản nợ là khoảng 10%, cao hơn tỷ lệ 7% đã diễn ra trong cuộc khủng hoảng dưới chuẩn.
Thật may mắn, Fed kết luận, trong kịch bản kinh tế đi theo hình chữ U, tỷ lệ tổng vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng sẽ giảm từ mức 12% hiện tại xuống mức vẫn có thể chấp nhận được là 8%.
Một số ngân hàng có thể phải hạn chế cổ tức chi trả cho các cổ đông để củng cố nguồn vốn của mình.
[Nguy cơ xảy ra làn sóng thoái vốn đồng USD tại các nền kinh tế mới nổi]
Thực tế là ngày 29/6, ngân hàng Wells Fargo đã tuyên bố cắt giảm khoản chi trả này. Tuy nhiên, đây chỉ là một cái giá nhỏ phải trả.
The Economist đã sử dụng dữ liệu của Fed để ước tính sơ bộ về tác động của những thiệt hại đối với những khoản cho vay hiện nay có thể gây ra.
Nếu hệ thống ngân hàng chưa được điều chỉnh mà phải đối mặt với kịch bản hình chữ U của năm nay, tỷ lệ tổng vốn chủ sở hữu của hệ thống này có khả năng giảm xuống còn 1,5%.
Tỷ lệ này của nhiều ngân hàng lớn có thể chạm ngưỡng 0 - ngưỡng vỡ nợ kỹ thuật. Đối mặt với khủng hoảng, người gửi tiền và các đối tác có thể đã "bỏ chạy."
Mức cứu trợ của ngân sách nhà nước cho hệ thống ngân hàng có thể còn lớn hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đây.
Thay vào đó, khả năng chống chịu mới của hệ thống ngân hàng đã khiến khách hàng và nhà đầu tư không vội rút tiền như trong năm 2007-2009.
Các ngân hàng được coi là an toàn và giờ đây, đến lượt các ngân hàng trở thành nguồn lực để mở rộng các khoản thấu chi cho các công ty gặp khó khăn.
Mặc dù vậy, các hoạt động rủi ro đã vượt ra ngoài hệ thống ngân hàng. Kết quả là mặc dù người nộp thuế không phải cứu trợ các ngân hàng, nhưng một lần nữa họ vẫn có nguy cơ hứng chịu những thiệt hại rất lớn.
Fed đã mua vào và mở rộng bảo lãnh cho nhiều thị trường, bao gồm cả thị trường trái phiếu rác và các quỹ giao dịch hối đoái, và cũng trực tiếp cho các công ty vay.
Một mối quan ngại khác là hệ thống ngân hàng bên ngoài nước Mỹ kém vững chắc hơn. Hầu hết các ngân hàng châu Âu có tỷ lệ vốn hợp lý, nhưng lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các ngân hàng Mỹ, bởi vì các ngân hàng này hoạt động không hiệu quả, phải đối mặt với lãi suất thấp hơn và các thị trường phân mảnh.
Những đánh giá năng lực của Mỹ cho thấy khoảng 1/4 tổng số tiền dự phòng mà các ngân hàng Mỹ sở hữu để đối phó với các khoản thua lỗ là nhờ lợi nhuận tốt, thay vì dựa vào vốn chủ sở hữu. Nhiều ngân hàng châu Âu không có được điều xa xỉ này.
Ông chủ của một trong những ngân hàng lớn nhất cảnh báo rằng, mặc dù cho đến nay cú sốc của đại dịch COVID-19 vẫn ở mức có thể kiểm soát được, nhưng một đợt lây nhiễm COVID-19 thứ hai trong năm nay hoặc năm tới sẽ là “một thử thách lớn đối với lĩnh vực tài chính”./.