Khai mạc gian hàng Quốc gia Việt Nam ở Hội chợ thương mại điện tử toàn cầu lần 3

Gian hàng Quốc gia Việt Nam tại Hội chợ Thương mại Điện tử Toàn cầu lần thứ 3 tạo ra một nền tảng giao thương và hợp tác cho các doanh nghiệp, nhà lãnh đạo và chuyên gia trong thương mại số.
Ông Hoàng Minh Chiến (thứ 3 từ trái sang) cùng Lãnh đạo Sở Thương mại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, tham quan các gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam. (Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam)

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2024 được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3444/QĐ-BCT ngày 31/12/2023, Cục Xúc tiến thương mại được giao là đơn vị đầu mối tổ chức Gian hàng Quốc gia Việt Nam tại Hội chợ Thương mại điện tử toàn cầu lần thứ 3 (GDTE 2024) từ ngày 25-29/9 tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Sáng 25/9, Lễ khai trương Gian hàng Quốc gia Việt Nam đã chính thức được tổ chức do lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo Sở Thương mại tỉnh Chiết Giang, lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức của Việt Nam và Trung Quốc.

Phát biểu khai mạc Gian hàng Quốc gia Việt Nam tại GDTE 2024, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam, nhấn mạnh với chủ đề "Thương mại số, tiếp cận toàn cầu," Gian hàng Quốc gia Việt Nam tại Hội chợ Thương mại Điện tử Toàn cầu lần thứ 3 sẽ có ý nghĩa to lớn, tạo ra một nền tảng giao thương và hợp tác cho các doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo và các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại số.

Sự kiện này không chỉ là nơi để các doanh nghiệp trưng bày và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và cùng nhau định hình tương lai trong lĩnh vực thương mại số.

Gian hàng Quốc gia Việt Nam là nơi quy tụ 16 gian hàng từ các doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực thương mại số. Đây là không gian giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ và giải pháp công nghệ tiên tiến, phản ánh sự năng động và đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.

Trong số đó, tiêu biểu có gian hàng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phần mềm FPT - Một trong những công ty hàng đầu về giải pháp phần mềm và công nghệ thông tin tại Việt Nam; Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo - Đơn vị tiên phong trong việc cung cấp các giải pháp quản lý bán hàng đa kênh và thương mại điện tử; Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) - Tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng công nghệ số...

Hội chợ Thương mại điện tử toàn cầu lần thứ 3 (GDTE 2024) là hội chợ mang tính chất quốc tế và cấp quốc gia duy nhất của Trung Quốc về lĩnh vực thương mại số. Đơn vị chủ trì hội chợ là Bộ Thương mại Trung Quốc, Chính quyền nhân dân tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc; đơn vị tổ chức thực hiện là Chính quyền nhân dân thành phố Hàng Châu, Sở Thương mại tỉnh Chiết Giang, Cục Phát triển Thương mại thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc.

Năm 2024, hội chợ công bố “Sáng kiến Hàng Châu về hợp tác và phát triển thương mại số;” “Báo cáo phát triển thương mại số Trung Quốc” nhằm thúc đẩy các bên cùng nhau hợp tác, phát triển, cùng chia sẻ thành quả để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế số toàn cầu.

Năm 2023, Hội chợ Thương mại điện tử toàn cầu lần thứ 2 đã diễn ra từ ngày 23-27/11, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Hàng Châu với chủ đề “Chuyên nghiệp hóa, quốc tế hóa và thị trường hóa.”

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư chào mừng đến Hội chợ, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Hàn Chính tham dự, tuyên đọc Thư chào mừng và phát biểu Khai mạc Hội chợ.

Cùng đó, quy mô các đoàn tham dự gồm có: 105 vị Đại sứ và Lãnh đạo Chính phủ, 31 tỉnh/thành Trung Quốc tổ chức đoàn tham dự, 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, 68 Hiệp hội nước ngoài và tổ chức quốc tế, 1.018 doanh nghiệp nước ngoài, hơn 130 báo đài trong và ngoài nước và 100.000 lượt khách tham quan đến tham dự hội chợ. Có 32 dự án đã được ký kết tại hội chợ, kim ngạch đạt 155,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 21,5 tỷ USD).

Tiếp nối thành công của kỳ trước, Hội chợ GDTE lần thứ 3 tiếp tục khẳng định vị thế là sự kiện thương mại điện tử quan trọng nhất thế giới. Với mục tiêu trở thành "nền tảng quốc gia cho các nhà thương mại điện tử toàn cầu," Hội chợ được thiết kế với sự kết hợp giữa các sự kiện trực tuyến và trực tiếp, nhằm tạo ra một không gian giao lưu kết nối đa dạng và phong phú.

Theo thông lệ hàng năm, phía Trung Quốc đều cử lãnh đạo cấp nhà nước tham dự lễ khai mạc, ngoài ra sẽ có lãnh đạo Chính phủ, các tổ chức quốc tế, Đại sứ tại Trung Quốc của 68 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.

Hội chợ sẽ tập trung vào ba phần chính: triển lãm, hội nghị và các hoạt động hỗ trợ, bao gồm mua hàng, quảng cáo và logistics. Các hoạt động chính tại hội chợ gồm có: Đối thoại thương mại số Trung Quốc và Tạp chí Forbes (Mỹ); hoạt động “Ngày Thương mại điện tử Con đường tơ lụa;” diễn đàn thị trường hóa và quản lý các yếu tố trong số hóa; diễn đàn thương mại văn hóa số; hội thảo Khu mậu dịch tự do chuyển đổi số theo quy tắc tiêu chuẩn cao; diễn đàn pháp luật thương mại số toàn cầu; đại hội giao lưu quốc tế nhân tài thương mại số.

Bên cạnh đó còn có các hoạt động bên lề như tọa đàm ngành AI (trí tuệ nhân tạo); hội thảo ngành thiết bị y tế số; hội thảo số hóa trong Logictics hàng không; hội thảo phát triển ngành số hóa xanh, hội thảo hợp tác quốc tế kinh tế số... Có thể thấy, đây không chỉ là cơ hội để giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam tới thị trường quốc tế mà còn là dịp để các doanh nghiệp trong nước học hỏi, mở rộng mối quan hệ đối tác và nắm bắt các xu hướng mới trong lĩnh vực thương mại số toàn cầu.

Việc các doanh nghiệp Việt Nam xuất hiện tại Hội chợ GDTE 2024 này sẽ góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục