Khai thác dầu khí ở Biển Đông: Những rối ren từ Trung Quốc

Những can thiệp liên tục của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động dầu khí trong phạm vi “Đường 9 đoạn” mà nước này xác lập, đã làm phức tạp hơn hoạt động đầu tư của giới khai thác dầu khí ở Đông Nam Á.
Giàn khoan Noble Clyde Boudreaux của Trung Quốc. (Nguồn: energyvoice.com)

Theo trang mạng amti.csis.org, trong vòng 4 tháng qua, các tàu Trung Quốc đã tranh giành và thách thức các hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt của Indonesia và Malaysia tại Biển Đông, những diễn biến dường như đã quá quen thuộc.

Lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc liên tục duy trì sự hiện diện tại một giàn khoan mới của Indonesia ở phía Bắc quần đảo Natuna kể từ đầu tháng 7/2021, trong khi một tàu khảo sát Trung Quốc đã tiến hành thăm dò đáy biển trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Indonesia.

Đồng thời, một tàu khác của Trung Quốc cũng tiến hành hoạt động thăm dò ở thềm lục địa của Malaysia trong động thái mà giới quan sát cho là để trả đũa việc các hoạt động khoan thăm dò mới ngoài khơi bang Sabah.

Hình ảnh vệ tinh và dữ liệu của Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) đã ghi nhận một số cuộc chạm trán giữa Hải cảnh Trung Quốc (CCG) với lực lượng thực thi pháp luật và Hải quân Indonesia, cũng như hành trình của tàu sân bay Mỹ gần địa điểm xảy ra các vụ đụng độ.

Những ồn ào mới xung quanh hoạt động dầu khí ở Biển Đông phát sinh hôm 30/6 khi giàn khoan nửa chìm Noble Clyde Boudreaux được di chuyển tới hai giếng dầu tại lô dầu khí Tuna của Indonesia nằm cách Natuna Besar khoảng 140 hải lý về phía Bắc.

Trung Quốc đáp trả gần như ngay lập tức bằng việc điều tàu hải cảnh CCG 5202 đến khu vực vào ngày 3/7. Indonesia cũng nhanh chóng điều tàu tuần tra KN Pulau Dana của Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia ngay sau đó.

[ASEAN-Trung Quốc: Singapore, Philippines nhận định tình hình Biển Đông]

Các tàu tuần tra của Indonesia sau đó thường xuyên được điều động tới khu vực trong khoảng từ 2-4 ngày trước khi trở lại bờ. Dữ liệu AIS và hình ảnh vệ tinh cho thấy trong một số trường hợp, các tàu này đã tiếp cận tàu Trung Quốc ở phạm vi khá gần.

Các tàu chấp pháp của Trung Quốc cũng thay phiên nhau hiện diện trong khu vực. CCG 5202 có mặt tại lô Tuna từ ngày 3/7 đến ngày 8/8 trước khi được thay thế bằng CCG 5305.

Dữ liệu AIS thu được từ CCG 5305 không liên tục song hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu đã ở đó cho đến cuối tháng Chín hoặc thậm chí là đầu tháng 10 vừa qua. CCG 6305 sau đó thế chỗ CCG 5305 và vẫn có mặt trong khu vực tính đến thời điểm hiện tại.

Đụng độ tiếp tục khi Trung Quốc triển khai tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 10 (Haiyang Dizhi 10), để tiến hành khảo sát đáy biển tại thềm lục địa của Indonesia vào ngày 27/8 và được CCG 4303 hộ tống.

Hoạt động của Hải Dương Địa chất 10 diễn ra tại khu vực chồng lấn giữa rìa phía Bắc của thềm lục địa Indonesia và rìa phía Nam của cái gọi là “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự công bố.

Bất chấp những phát biểu nhằm hạ nhiệt chỉ trích về yêu sách này, đây có thể xem là ví dụ mới nhất cho thấy tàu chấp pháp Trung Quốc coi đây là ranh giới thực tế của quốc gia.

Tàu chở dầu KRI Bontang của Hải quân Indonesia đã được triển khai tới khu vực để răn đe Hải Dương Địa chất 10. Dữ liệu AIS cho thấy KRI Bontang đã tiếp cận Hải Dương Địa chất 10 ở cự ly đặc biệt gần. CCG 4303 rời đi trong nửa đầu tháng Chín và được thế chỗ bởi CCG 6305 từ ngày 26/9.

Trong khi đó, tàu khảo sát Đại Dương Hiệu (Da Yang Hao) đã đến vùng biển bên trong thềm lục địa của Malaysia để tiến hành các cuộc khảo sát.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. (Nguồn: scmp.com)

Động cơ rõ ràng của đợt triển khai này là những hoạt động của tàu khoan dầu West Capella được công ty PTTEP của Thái Lan ký hợp đồng từ tháng Bảy để hoạt động tại mỏ dầu Siakap North Petai, Lô K của Malaysia.

Quyết định sử dụng lực lượng dân quân hộ tống Đại Dương Hiệu thay vì Hải Dương Địa chất 10 có thể là một quyết định được tính toán kỹ lưỡng nhằm giảm nguy cơ nảy sinh đụng độ do chính quyền Indonesia được cho là có xu hướng đối đầu tàu Trung Quốc ở cự ly gần nhiều hơn so với các đối tác Malaysia. Đại Dương Hiệu kết thúc chuyến khảo sát và hướng về Quảng Đông vào ngày 15/10.

Những nỗ lực liên tục của Trung Quốc nhằm quấy rối các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi “Đường 9 đoạn” mà nước này xác lập đã làm phức tạp hơn các hoạt động đầu tư của giới khai thác dầu khí tại Đông Nam Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục