Khi Thủ tướng Shinzo Abe cũng muốn 'Nhật Bản trước tiên'?

Nhật Bản sẽ rút khỏi Ủy ban săn bắt Cá voi Quốc tế, cho phép tàu cá quay trở lại đánh bắt cá voi phục vụ mục đích thương mại. Phải chăng ngay cả cá voi giờ cũng bị ảnh hưởng bởi Tổng thống Trump?
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn :AFP/TTXVN)

Trang mạng Project-Syndicate.org đưa tin ngay cả cá voi giờ cũng bị ảnh hưởng bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Năm 2019 này, Nhật Bản sẽ rút khỏi Ủy ban săn bắt Cá voi Quốc tế (IWC), cho phép tàu cá quay trở lại đánh bắt cá voi phục vụ mục đích thương mại.

Chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Shinzo Abe giải thích rằng việc ăn thịt cá voi là một phần quan trọng của văn hóa Nhật Bản, dù số người dân nước này thực sự ăn thịt loại cá này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với con số của khoảng 50 năm trước đây.

Và việc rời khỏi IWC có nghĩa là những người ăn thịt cá voi chỉ có thể đánh bắt cá trong vùng ven bờ biển Nhật Bản, nơi loài cá này khá hiếm.

[Infographics] Nhật Bản nối lại săn bắt cá voi vì mục đích thương mại

Sự thật ở chỗ là quyết định này là một “món quà” cho một vài chính trị gia thuộc những khu vực vẫn thực hiện hoạt động săn bắt cá voi và cũng là món quà cho những người theo chủ nghĩa dân tộc không muốn bị người nước ngoài thuộc các tổ chức quốc tế yêu cầu Nhật Bản có thể và không thể làm gì.

Nhật báo Asahi Shimbun bình luận đó thực sự là một hành động mang tính chính trị, được kích thích bởi chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump.

Đây thực chất là vấn đề “Nhật Bản trước tiên.” Ngay cả khi ông Trump không để tâm đến vấn đề này thì việc Nhật Bản khẳng định quyền săn bắt cá voi như vậy chỉ làm xấu hình ảnh đất nước.

Ông Abe, bản thân là một người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, có mối quan hệ phực tạp với Mỹ.

Một trong những giấc mộng của ông Abe là hoàn thành nỗ lực của ông nội, Nobusuke Kishi, cũng là một người theo chủ nghĩa dân tộc, về việc sửa đổi hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản.

Ông Abe muốn bản hiến pháp vốn được người Mỹ viết nên từ trước đây sẽ được sửa đổi theo tư tưởng yêu nước hơn và có thể trở thành một tài liệu mang tính chuyên quyền hơn, hợp pháp hóa việc sử dụng lực lượng quân sự.

Nhật Bản cần trở thành một đồng minh “mình đồng da sắt” của Mỹ. Đức và Italy, những đồng minh khác bị đánh bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đã có “thần hộ mệnh” là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).

Nhật Bản chỉ có Hiệp ước An ninh và Hợp tác song phương ký với Mỹ năm 1960 để bảo vệ Tokyo trước các thế lực thù địch và trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Đó là lý do vì sao ông Abe lại là chính khách nước ngoài đầu tiên, sau Thủ tướng Anh Theresa May, vội vàng chúc mừng ông Trump theo kênh cá nhân trong năm 2017.

Ở những góc độ đáng kể, Nhật Bản đã hưởng lợi lớn khi được Mỹ “bao bọc” trong vòng tay của họ và cũng hưởng lợi từ hiến pháp hậu chiến, vốn không chỉ mang tính hòa bình mà còn mang tính dân chủ hơn bất kỳ thứ gì mà Tokyo có trước kia khi quy định quyền cá nhân, quyền bỏ phiếu đầy đủ, tự do thể hiện ý kiến.

Do bị ràng buộc bởi Hiến pháp, Nhật Bản không thể tham gia các cuộc chinh chiến, nước này đành tập trung vào việc củng cố sức mạnh công nghiệp của mình.

Tuy nhiên, nền dân chủ mà Mỹ lâu nay vẫn tự hào thiết lập nên từ sau năm 1945 lại cũng bị cản trở bởi chính sự can thiệp của Mỹ. Giống Italy, Nhật Bản đặt mình ở tuyến đầu trong Chiến tranh Lạnh.

Và cũng giống như những người Dân chủ Cơ đốc của Italy, đảng Tự do Dân chủ theo đường lối bảo thủ của Nhật Bản đã được hưởng lợi nhiều năm từ số tiền tài trợ “kếch xù” của Mỹ để đảm bảo không một đảng cánh tả nào ở Nhật Bản nắm giữ quyền lực. Do đó, Nhật Bản trở thành một nước độc đảng trên thực tế.

Điều này dẫn đến hội chứng tâm thần phân liệt trong số những chính khách theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ giống như ông Abe. Họ đề cao sự hào phóng của Mỹ cũng như sự hậu thuẫn quân sự của Mỹ đối với các kẻ thù theo chủ nghĩa cộng sản.

Tuy nhiên, họ lại cực lực phản đối việc phải chung sống với một bản hiến pháp tự do mà nước ngoài áp đặt.

Giống Tòa án Tội ác Chiến tranh Tokyo năm 1946 mở một cuộc xét xử quan chức chính phủ và sỹ quan quân đội bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh nhưng lại do thẩm phán nước ngoài điều hành, bản hiến pháp và mọi nội dung trong đó bị coi là một sự sỷ nhục quốc thể.

Nhật Bản có thể muốn thay đổi phần lớn trật tự thời hậu chiến, vốn được thiết lập bởi Mỹ với sự hậu thuẫn của lực lượng theo chủ nghĩa tự do của Nhật Bản.

Kế hoạch sửa đổi của Abe không chỉ liên quan Điều 9 của Hiến pháp hòa bình vốn không cho phép Nhật Bản sử dụng vũ lực, mà còn liên quan đến những vấn đề khác như giáo dục, luật khẩn cấp và vai trò của Nhật Hoàng.

Để thay đổi Điều 9, chính phủ liên minh hiện nay cần sự ủng hộ của 2/3 nghị sỹ quốc hội cũng như một cuộc trưng cầu dân ý.

Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2017, ông Abe đã có được đa số quốc hội cần thiết. Liệu ông sẽ giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý hay không lại là vấn đề chưa ngã ngũ.

Về giáo dục, ông cũng đã giành được một số thắng lợi quan trọng. “Chủ nghĩa yêu nước” và “giáo dục đạo đức” giờ là hai mục tiêu chính thức trong giáo trình giảng dạy trên toàn quốc.

Điều này có nghĩa là việc tuân thủ nhà nước, chứ không phải quyền lợi cá nhân và mong muốn tự do, cần phải được thấm nhuần từ nhỏ.

Điều này cũng có nghĩa là lịch sử về vai trò của Nhật Bản trong thời chiến, nếu được giảng dạy ở các cấp, sẽ liên quan nhiều hơn đến giá trị anh hùng mà giới trẻ tự hào.

Trước kia, bất chấp những khiếm khuyết và xung đột, Mỹ vẫn được coi là một nước tốt đẹp. Lý tưởng về một nền dân chủ và sự cởi mở xã hội Mỹ vẫn đáng để ngưỡng mộ.

Trong khi đó, đối với Tây Âu, sự phụ thuộc vào “ô an ninh” của Mỹ lại không tạo ra được tác động tích cực hơn. Điều này biến Nhật Bản thành một nước chư hầu của Mỹ, dù Washington muốn hay không. Khi đó, mối quan hệ này có thể tạo ra tác động mang tính chất thiếu chín chắn đối với vấn đề chính trị.

Dưới thời ông Trump, Washington không còn phụ thuộc nhiều vào quan hệ chính trị với Tokyo. Điều này có thể ít nhất giúp Nhật Bản tập trung tâm trí vào việc tìm cách đứng vững trên trường quốc tế mà không có Mỹ.

Hiện, Washington cũng không còn là “tấm gương” điển hình về tự do và cởi mở, mà ngược lại, đã trở thành một điển hình của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bài ngoại và biệt lập.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc của Nhật Bản, bắt đầu là Thủ tướng Shinzo Abe, không cần sự khích lệ nào để noi gương ông Trump.

Tuy nhiên, nếu họ làm vậy, thì họ sẽ “giẫm phải” những vết xe đổ của một nước Mỹ thời nay và vứt bỏ điều tốt đẹp nhất của những gì mà Mỹ từng thiết lập nên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục