​Khoa học Trung Quốc gây tranh cãi khi bổ sung gene người vào não khỉ

Các nhà nghiên cứu đã đưa các phiên bản ở người của Microcephalin (MCPH1), một gene được cho là đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bộ não con người, vào 11 con khỉ nâu.
Tranh luận về đạo đức y học bằng hành động cấy ghép gene não người vào khỉ. (Nguồn: Daily Mail)

Theo scmp.com, một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc vừa châm ngòi lại cuộc tranh luận về đạo đức y học bằng hành động cấy ghép gene não người vào khỉ trong một nghiên cứu nhằm mục đích tìm hiểu sâu hơn về sự tiến hóa độc đáo của trí thông minh ở người.

Các nhà nghiên cứu đã đưa các phiên bản ở người của Microcephalin (MCPH1), một gene được cho là đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bộ não con người, vào 11 con khỉ nâu.

Họ phát hiện ra rằng não của những con khỉ này - giống như não người - cần nhiều thời gian hơn để phát triển, và chúng thể hiện tốt hơn trong những bài kiểm tra về trí nhớ ngắn hạn cũng như thời gian phản ứng so với những con khỉ hoang dã.

Tuy nhiên, số khỉ này không phát triển bộ não to hơn so với nhóm đối chứng.

Đây là thử nghiệm mới nhất trong một chuỗi các thí nghiệm y sinh học tại Trung Quốc đã làm dấy lên những cuộc tranh luận về đạo đức y học.

Thử nghiệm này đang thu hút những quan ngại về đạo đức và những sự so sánh với loạt phim khoa học viễn tưởng Hành tinh Khỉ, ở đó những con khỉ có gene tăng cường và loài người đấu đá lẫn nhau để giành quyền kiểm soát.

[Trung Quốc nhân bản khỉ chỉnh sửa gene để nghiên cứu y sinh]

Thử nghiệm này được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc Viện Động vật học Côn Minh và Học viện Khoa học Trung Quốc, với sự hợp tác cùng các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Đại học Bắc Carolina.

Nghiên cứu này đã được công bố vào tháng trước trên tờ nhật báo Khoa học Quốc gia ở Bắc Kinh.

Chỉ có 5 con khỉ còn sống sót đến giai đoạn thử nghiệm. (Nguồn: scmp.com)

"Những phát hiện của chúng tôi đã chứng minh rằng các loài linh trưởng không phải người (trừ các loài vượn) được chuyển gene có tiềm năng mở ra những hiểu biết sâu sắc, quan trọng và độc đáo cho vấn đề căn bản về những điều thực sự làm cho con người trở nên khác biệt," các tác giả nghiên cứu chia sẻ.

Những con khỉ đã trải qua các bài kiểm tra trí nhớ yêu cầu chúng phải ghi nhớ màu sắc và hình dạng trên màn hình, cũng như đã được chụp cộng hưởng tử. Chỉ có 5 con khỉ còn sống sót đến giai đoạn thử nghiệm.

Các tác giả cho biết khỉ nâu, với bộ gene giống con người nhiều hơn là các loài gặm nhấm, không đủ sự gần gũi với loài người để làm dấy lên những quan ngại về đạo đức.

Tuy nhiên, một số người vẫn đặt câu hỏi về tính đạo đức của thử nghiệm này.

"Bạn sẽ nghĩ ngay đến phim Hành tinh Khỉ," Jacqueline Glover, một nhà đạo đức sinh học thuộc Đại học Colorado chia sẻ.

"Nhân hóa chúng chính là việc gây hại. Chúng sẽ sống ở đâu, và chúng sẽ làm gì? Đừng tạo ra một sinh vật không thể có được một cuộc sống có ý nghĩa trong bất kỳ bối cảnh nào," bà nói với tờ MIT Technology Review.

Ở chiều ngược lại, Larry Baum, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học bộ gene của Đại học Hong Kong không đề cao việc so sánh thử nghiệm này với khoa học viễn tưởng.

"Bộ gene của khỉ nâu khác bộ gene người khoảng vài phần trăm. Có hàng triệu bazơ DNA riêng biệt giúp phân biệt giữa người và khỉ. Nghiên cứu này chỉ thay đổi một vài bazơ như vậy trong duy nhất một trong số khoảng 20.000 gene đó. Bạn có thể tự quyết định xem như vậy có đáng phải lo lắng hay không."

Baum cũng nói thêm rằng nghiên cứu này ủng hộ giả thuyết "sự phát triển chậm hơn của các tế bào não có thể là một yếu tố cải thiện trí thông minh trong quá trình tiến hóa của loài người."

Hồi tháng Một, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố nghiên cứu về 5 con khỉ Macao được nhân bản từ một con duy nhất đã được biến đổi gene để mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Tất cả những con khỉ này đều có những dấu hiệu về các vấn đề tâm thần bao gồm trầm cảm, lo lắng và các hành vi liên quan đến tâm thần phân liệt.

Họ nói rằng nghiên cứu này nhằm mục đích hỗ trợ nghiên cứu về các vấn đề tâm lý của con người.

Và mới năm ngoái, nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khôi đã gây sốc cho cộng đồng khoa học sau khi tiết lộ đã chỉnh sửa gene thành công cho một cặp bé gái sinh đôi vào tháng 11 nhằm ngăn hai bé bị nhiễm HIV./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục