Khoai lang và những tác dụng đối với sức khỏe mà bạn không ngờ tới

Các thành phần có trong khoai lang tím có thể ức chế sự phát triển của các bệnh ung thư cụ thể như ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư ruột kết.
Khoai lang tím. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Khoai lang là loại thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa, vitamin A, chất xơ, ít chất béo và chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý. Vì vậy, khoai lang thường được đưa vào trong các chế độ ăn uống lành mạnh.

1. Tác dụng của khoai lang

Khoai lang có nhiều giống khác nhau, mỗi loại đều có đặc điểm riêng, trong đó được trồng nhiều nhất là khoai lang cam, khoai lang tím và khoai lang đỏ. Nhưng dù thuộc giống nào, khoai lang cũng có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Kiểm soát bệnh tiểu đường

Loại củ này có chỉ số đường huyết thấp, có nghĩa là so với các loại thực phẩm giàu tinh bột khác, chúng giải phóng đường vào máu rất chậm. Sự giải phóng ổn định này giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Do đó, lợi ích của khoai lang là có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường.

Ngoài ra, trong loại củ này có magie và hàm lượng chất xơ cao rất quan trọng trong việc quản lý và phòng ngừa bệnh tiểu đường.

Hỗ trợ phòng ngừa và điều trị ung thư

Khoai lang tím đặc biệt hiệu quả trong việc chống ung thư. Các thành phần có trong khoai lang tím có thể ức chế sự phát triển của các bệnh ung thư cụ thể như ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư ruột kết.

Chiết xuất từ ​​khoai lang có thể tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến tiền liệt, đảm bảo rằng ung thư không lan rộng hoặc phát triển đến bất kỳ bộ phận nào khác của tuyến tiền liệt.

Nồng độ anthocyanin cao trong khoai lang tím là lý do giải thích vì sao loại củ này có ích trong hoạt động chống ung thư trong ung thư vú và ung thư dạ dày.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Khi quá trình ôxy hóa diễn ra trong cơ thể có thể làm xuất hiện các biến chứng như xơ vữa động mạch, dẫn đến sự phát triển của nhiều bệnh tim mạch.

Các chất chiết xuất từ ​​khoai lang chứa hàm lượng polyphenol cao, sẽ ngăn chặn quá trình ôxy hóa, giúp làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch.

Loại củ này cũng chứa các chất xơ hòa tan có liên quan mật thiết đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Do đó, anthocyanin, chất xơ, polyphenol… có trong những củ khoai lang rất hữu ích trong việc chống lại các bệnh về tim mạch.

Phòng ngừa thiếu vitamin A

Vì chứa lượng beta carotene cao nên khoai lang là một nguồn cung vitamin A tuyệt vời cho cơ thể. Cơ thể chúng ta cần vitamin A để có thể chống lại các bệnh nhiễm trùng khác nhau và tăng khả năng chống nhiễm trùng về sau.

Chống viêm

Khoai lang còn chứa anthocyanin, chất quan trọng để ngăn ngừa và giảm viêm trong các tế bào ung thư ruột kết, giảm sự tăng sinh tế bào ở một số tế bào ung thư.

Không chỉ có chứa một lượng vitamin tốt có đặc tính chống viêm tuyệt vời mà khoai lang còn có nồng độ choline cao. Choline là một chất dinh dưỡng có thể làm giảm phản ứng viêm của cơ thể.

Tăng cường trí nhớ

Khoai lang chứa anthocyanin, một chất có tính chống ôxy hóa mạnh. Do đó, công dụng của khoai lang có thể giúp bạn tăng cường trí nhớ hiệu quả.

Kháng khuẩn

Các chất chiết xuất từ ​​những củ khoai này có chứa đặc tính kháng khuẩn chống lại vi khuẩn gây bệnh thương hàn và viêm phổi. Hàm lượng chất xơ trong khoai lang có thể giúp làm giảm sự phát triển của vi khuẩn trong thực phẩm. Vì vậy, khoai lang được sử dụng trong phòng ngừa và điều trị các loại nhiễm trùng.

Hỗ trợ tiêu hóa

Nhiều người biến đến tác dụng của khoai lang là giúp cải thiện các vấn đề tiêu hóa và sức khỏe đường ruột do loại củ này có hàm lượng chất xơ cao. Việc tiêu thụ khoai lang có thể làm tăng lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể giúp quá trình tiêu hóa diễn ra bình thường. Loại củ này cũng rất hữu ích trong việc ngăn ngừa táo bón.

Điều hòa huyết áp

Vì rất giàu kali và magie nên việc tiêu thụ khoai lang có thể giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả. Magie là một khoáng chất có công dụng giảm huyết áp do đó giúp ngăn ngừa tình trạng tăng huyết áp hiệu quả.

Bên cạnh đó, khi cơ thể được hấp thụ lượng kali cao hơn dẫn đến huyết áp thấp hơn. Điều này giúp giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề tim mạch hoặc đột quỵ.

Làm giảm căng thẳng

Khoai lang có lượng magie cao, một khoáng chất quan trọng để cơ thể hoạt động tốt. Ăn khoai lang có thể giúp bổ sung lượng magie, hỗ trợ điều trị trầm cảm và các hành vi liên quan đến lo lắng.

Cải thiện thị lực

Vitamin A có trong khoai lang giúp cải thiện thị lực. Tình trạng thiếu vitamin A sẽ dẫn đến thị lực kém và cũng có thể là nguyên nhân gây mù lòa. Ngoài ra, tình trạng này cũng liên quan đến các bệnh về mắt như loét giác mạc, khô giác mạc và viêm kết mạc.

Vitamin A, C và E có trong loại củ này rất tốt trong việc cải thiện thị lực tốt hơn và ngăn ngừa các vấn đề về mắt.

Quản lý cân nặng

Trong khoai lang chứa một lượng chất xơ có thể lên men và hòa tan giúp cơ thể tự điều chỉnh cân nặng một cách tự nhiên. Vì vậy, việc tiêu thụ khoai lang sẽ dẫn đến lượng chất xơ cao hơn, giúp giảm cân hiệu quả.

Cải thiện tóc và da

Khoai lang rất giàu vitamin A, C và E tốt cho tóc và da. Vitamin E có khả năng làm tăng sự phát triển và tăng mật độ tóc ở những người bị rụng tóc nhiều.

Trong khi đó, Vitamin C cần thiết cho quá trình tổng hợp collagen, một loại protein cấu trúc quan trọng của da.

2. Tác hại khi ăn nhiều khoai lang

Dù có rất nhiều tác dụng tuyệt vời với sức khỏe nhưng đó là khi bạn ăn với một lượng thích hợp. Khi ăn quá nhiều loại củ này cũng gây ra một số tác hại với cơ thể.

Sỏi thận: Thêm quá nhiều khoai lang vào chế độ ăn uống khi đang bị sỏi thận có thể gây ra bất lợi. Axit oxalic bắt đầu lắng đọng trên viên sỏi đã tồn tại, làm tăng các triệu chứng và cơn đau.

Dạ dày bị khó chịu: Khoai cũng chứa mannitol, một loại carbohydrate được gọi là rượu đường hoặc polyol. Mặc dù không có hại khi sử dụng loại carbohydrate này, nhưng nếu tiêu thụ quá mức có thể gây bất lợi cho những người bị chứng khó chịu ở dạ dày. Ăn khoai lang quá nhiều khi bụng bị khó chịu có thể dẫn đến tiêu chảy, đau bụng, chướng bụng.

Ngộ độc vitamin A: Do loại củ này có hàm lượng vitamin A cao nên việc tiêu thụ quá nhiều loại vitamin này có thể dẫn đến ngộ độc với các triệu chứng như đau đầu và phát ban.

Tiêu thụ quá nhiều vitamin A trong thời gian dài cũng có thể khiến tóc thô, rụng, môi nứt nẻ và da khô ráp. Liều lượng lớn vitamin A kéo dài cũng có thể gây tổn thương gan.

- Không nên ăn khoai lang vào buổi tối vì dễ gây nên hiện tượng trào ngược axit trong dạ dày.
- Ăn khoai lang khi đói sẽ gây tăng tiết dịch vị gây đầy hơi, chướng bụng, ợ chua… dễ dẫn đến đau bụng, viêm loét dạ dày. Đặc biệt những người đau dạ dày mạn tính, ăn khoai lang khi đói càng làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Tác giả

3. Những thực phẩm không nên kết hợp cùng khoai lang

Dù có rất nhiều tác dụng như vậy nhưng khi ăn khoai lang chung với một số loại thực phẩm như trứng, thịt gà, bí đỏ, quả hồng lại có thể gây hại cho sức khỏe cơ thể.

Trứng và khoai lang khi kết hợp sẽ gây ra hội chứng khó tiêu, đầy bụng gây cảm giác khó chịu cho người ăn. Vì thế không nên sử dụng cả 2 loại thực phẩm này cùng lúc.

Thịt gà và khoai lang không nên ăn cùng lúc, cũng sẽ gây đầy hơi, tức bụng, cảm giác khó chịu, không tiêu.

Khoai lang và bí đỏ 2 loại thực phẩm nhuận tràng nhưng khi kết hợp cùng nhau sẽ gây ra tình trạng đầy hơi, chướng bụng, nôn khan, ợ chua...

Chất pectin và tannin có trong quả hồng khi kết hợp cùng khoai lang là thực phẩm chứa nhiều tinh bột sẽ kích thích dạ dày tiết axít. Tannin kết hợp với axit dạ dày tạo thành sỏi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục