Khoảng 4.500 video clip xấu độc trên Youtube đã được chặn, gỡ bỏ

Tới thời điểm hiện tại, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được khoảng 4.500 video clip xấu độc trên trang Youtube trong tổng số khoảng 5.000 video clip theo yêu cầu của nhà chức trách Việt Nam.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: amazeemetrics.com)

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được khoảng 4.500 video clip xấu độc trên trang Youtube trong tổng số khoảng 5.000 video clip theo yêu cầu của nhà chức trách Việt Nam.

Thông tin trên được ông Tuấn đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của đơn vị này, ngày 22/12 tại Hà Nội.

Theo ông Tuấn, một trong những điểm nhấn của đơn vị này năm 2017 là việc Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong việc triển khai các biện pháp nhằm tăng cường việc quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà nổi bật là Google và Facebook.

Thực tế, ngay sau khi báo chí trong nước công khai đăng các tin bài về những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam thì một thời gian ngắn sau đó, báo chí quốc tế cũng đưa tin hàng loạt quốc gia khác trên thế giới cũng triển khai các biện pháp để tăng cường công tác quản lý mạng xã hội.

Ông Tuấn nhận định, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia được Google đáp ứng yêu cầu cao nhất trên thế giới.

Trong khi đó, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.

(Biểu đồ thống kê số lượng clip độc hại phía Việt Nam yêu cầu và Google đã gỡ bỏ)

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, hiện nay, các hành vi vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện. Các thế lực thù địch lợi dụng sự phát triển của công nghệ để thường xuyên phát tán thông tin xấu độc trên các dịch vụ nền tảng nước ngoài...

Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018 của đơn vị này là hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý thông tin trên mạng Internet, quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung nước ngoài vào Việt Nam. Cùng lúc, cần có những cơ chế khuyến khích phát triển các dịch vụ nội dung do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, giảm tác động tiêu cực của các thông tin xấu, độc hại trên Internet, mạng xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục