"Không chỉ tại Việt Nam, giá vé máy bay ở các nước trên thế giới đều cao"

Ngành Hàng không trên đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay dẫn đến nguồn cung thực sự không theo kịp nhu cầu và kéo theo giá vé máy bay cao.
Giá vé máy bay tại khắp nơi trên thế giới đều có xu hướng tăng cao, không chỉ ở mỗi Việt Nam. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, biến động về tỷ giá, đứt gãy chuỗi cung ứng về thiết bị sửa chữa, bảo dưỡng máy bay do ảnh hưởng của xung đột địa chính trị trên thế giới, ông Subhas Menon, Tổng Giám đốc Hiệp hội các Hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương cho rằng không chỉ tại Việt Nam mà giá vé máy bay nhìn chung ở khắp nơi trên thế giới đều cao vì giá cả phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn cung.

- Xin ông cho biết những yếu tố nào ảnh hưởng đến chi phí cơ cấu giá thành vé máy bay mà các hãng hàng không đang phải đối mặt?

Ông Subhas Menon: Các hãng hãng hàng không phải đối mặt với 3 chi phí chính.

Chi phí đầu tiên đó là máy bay. Bản thân máy bay vốn đã là một mặt hàng rất tốn kém. Trên hết, nhu cầu về máy bay đã tăng vọt sau khi biên giới mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu vé máy bay tăng cao chưa từng thấy.

Đối với Việt Nam và cả châu Á, việc mở cửa trở lại muộn hơn rất nhiều. Các thị trường này đang xếp hàng chờ nhận máy bay nên chi phí tất nhiên sẽ tăng lên vì nguồn cung máy bay cũng như lịch giao phụ tùng, linh kiện máy bay đều bị trì hoãn do vấn đề về chuỗi cung ứng gây ra bởi xung đột địa chính trị trên thị trường quốc tế như tại Ukraine và Gaza.

Nếu các hãng bay không nhận được những máy bay mà đã đặt, lựa chọn tiếp theo là thuê máy bay. Chi phí thuê máy bay cũng tăng lên, thêm vào đó lãi suất trên toàn cầu leo thang dẫn đến chi phí vận hành nhìn chung đang tăng lên và đó là một trong những yếu tố lớn nhất.

Tình trạng thiếu hụt máy bay khiến nguồn cung giá vé khan hiếm và đắt đỏ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ hai là nhiên liệu. Giá xăng dầu trước COVID-19 là 115USD/thùng và hiện tại dao động ở mức 120 -130USD/thùng. Đây cũng là một chi phí lớn đối với các hãng hàng không.

Thứ ba, chúng ta phải thu hút trở lại nguồn nhân lực đã rời ngành do đại dịch COVID-19. Tiền lương cũng đang tăng lên. Tất cả các chi phí khác bao gồm chi phí sân bay, phí điều hành đường bay… đều tăng. Chi phí là yếu tố chính ảnh hưởng đến việc các hãng hàng không có thể phục hồi nhanh chóng hay không.

Hơn nữa, nhu cầu đi lại bị ảnh hưởng bởi tiền tệ và lạm phát, đặc biệt đồng USD đã tăng quá cao khiến người dân gặp nhiều hạn chế khi đi trên trên các hành trình đường dài.

- Hiện tại, dư luận cho rằng giá vé máy bay tại Việt Nam đang rất cao? Xin ông cho biết, mặt bằng chung giá vé máy bay tại các nước trên thế giới như nào?

Ông Subhas Menon: Việc giá vé cao không chỉ có ở Việt Nam. Giá vé máy bay nhìn chung ở khắp nơi trên thế giới đều cao vì giá cả phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn cung. Nếu cầu nhiều hơn cung thì giá có xu hướng đi lên. Trường hợp này hiện nay là như vậy khi chúng ta nhìn vào lịch giao máy bay đều bị chậm trễ.

Hiện nguồn cung thực sự không theo kịp nhu cầu và đó là lý do tại sao giá vé máy bay cao. Khi nào nguồn cung có thể cân bằng với nhu cầu thì giá vé tất nhiên sẽ giảm. Đây là bản chất của thị trường.

- Nhu cầu thuê máy bay của các hãng để đáp ứng nhu cầu đi lại mùa cao điểm Hè sắp tới? Các hãng hàng không liệu có dễ dàng thuê máy bay hay không, thưa ông?

Ông Subhas Menon: Tôi nghĩ vấn đề về sự cố cánh cửa của Boeing không ảnh hưởng trực tiếp đến các hãng hàng không trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, sự cố động cơ của Airbus A321 đang ảnh hưởng lớn đến nhiều hãng hàng không trong khu vực.

Thời gian cần thiết cho việc kiểm tra và sửa chữa động cơ rất dài, trung bình khoảng 300 ngày. Các hãng hàng không đang tìm kiếm các phương án thuê máy bay nhưng các tổ chức cho thuê cũng đang gặp khó khăn trong việc cung cấp máy bay và linh kiện kịp thời.

Ông Subhas Menon, Tổng Giám đốc Hiệp hội các Hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tôi nghĩ các hãng hàng không có khả năng thích ứng, tăng cường đi thuê máy bay trong thời gian chuỗi cung ứng và vấn đề động cơ đang được xử lý.

Các hãng hàng không trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ phục hồi rất nhanh và họ sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế. Lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch hàng không đang thúc đẩy tăng trưởng GDP ở châu Á-Thái Bình Dương với mức trung bình là 4,2% cho năm 2024, gấp đôi mức của thế giới chỉ là 2,1%. Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn với dân số thuộc hàng cao nhất thế giới nên tiềm năng là rất lớn, miễn là nhu cầu du lịch có khả năng phục hồi.

- Xin cảm ơn ông./.

Theo báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting (một công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia) cung cấp, cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17%-25% so với năm 2019. Trong đó, châu Á tăng 21%; Australia, New Zealand tăng 22%; châu Âu tăng 18%; Nam Mỹ tăng 25% và Bắc Mỹ tăng 17%.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục