Không khí Xuân đã về trong các gia đình Việt ở Cairo

Căn hộ nhỏ của gia đình chị Bùi Thu Huyền và anh Wael Hadidi là địa chỉ mà cộng đồng người Việt ở Ai Cập thường xuyên ghé qua.

Phố Al-Ahram dẫn đến khu vực các Kim Tự tháp tỉnh Giza nằm sát thủ đô Cairo hầu như ngày nào cũng tấp nập người và xe qua lại.

Nằm cách trục đường chính đó chỉ khoảng 100m, căn hộ nhỏ ấm cúng của gia đình chị Bùi Thu Huyền người gốc Hải Phòng và anh Wael Hadidi là địa chỉ mà cộng đồng người Việt ở Ai Cập thường xuyên ghé qua.

Những ngày giáp Tết cổ truyền Giáp Ngọ này, gia đình chị lại được đón những người bạn thân tới chơi. Điều đáng quý và vui hơn nữa là cuộc hội ngộ này diễn ra tại một xứ Hồi giáo xa lạ cách đất nước hình chữ S tới hàng vạn km. Do vậy, không có lý do gì để chị Huyền và ba người bạn gái của mình bỏ lỡ cơ hội giới thiệu những nét văn hóa và các món ăn quốc hồn, quốc túy của dân tộc mình tới những người chồng ngoại quốc của họ.

Giang, người mới theo chồng sang Ai Cập công tác chưa lâu, mang biếu vị chủ nhà hiếu khách chiếc bánh chưng tự gói. Tất cả các nguyên liệu gói bánh như gạo nếp, đỗ, thịt lợn, lá dong và thậm chí cả lạt buộc đều được mang từ Việt Nam sang và chuẩn bị từ mấy tháng trước.

Thứ "sản vật" từng được chàng Lang Liêu dâng lên vua Hùng này được chị Huyền dành để bày lên bàn thờ tổ tiên cùng mâm ngũ quả trước khi thắp hương "xin lộc" để đãi các vị khách quý.

Tuy rất bận bịu với các dự án bất động sản ở thành phố nghỉ dưỡng Hurghada nằm bên bờ Biển Đỏ, anh Wael đã quyết định thu xếp nghỉ một tuần để cùng vợ con dọn dẹp nhà cửa và đón Tết cổ truyền của quê hương vợ. Là người theo đạo Hồi, nhưng anh Wael luôn tạo điều kiện cho vợ thực hiện các nghi lễ thờ cúng tổ tiên và thắp hương vào các ngày Rằm hay lễ Tết.

Căn bếp nhỏ chật chội, nơi ẩn giấu những điều bất ngờ cho các chàng rể ngoại quốc trong bữa tất niên, đầy ắp tiếng cười. Bốn chị em hào hứng trò chuyện đủ mọi thứ, từ địa điểm mua sắm các nguyên liệu cho những món ăn mang hương vị Á Đông đến chuyện chăm sóc và dạy tiếng Việt cho con...

Sau vài tiếng chuẩn bị, điều bất ngờ dần được "bật mí" qua mùi vị đặc trưng của những món ăn truyền thống Việt Nam như nem, gà luộc, bún, xôi vò và canh măng lan từ căn bếp ra phòng khách khiến các chàng rể ngoại quốc hào hứng.

Kể từ khi chuyển sang sinh sống tại Ai Cập, nơi chỉ có tổng cộng khoảng 80 người Việt và ít có hoạt động trao đổi đoàn, họ không còn được thường xuyên thưởng thức những món ăn Việt có hương vị đậm đà khó quên.

Bất ngờ hơn nữa khi các chị em xuất hiện trong các bộ áo dài thướt tha. Cảm giác ở mỗi ông chồng là vừa quen, vừa lạ khi được ngắm vợ mình trong bộ áo dài duyên dáng. Lâu lắm rồi, họ mới lại được gặp lại hình ảnh người phụ nữ thân thương của mình trong bộ "quốc phục" một thời từng khiến trái tim họ xao xuyến, rung động.

Bà chủ nhà Bùi Thị Huyền bùi ngùi xúc động và cảm thấy tự hào, hạnh phúc không kém. Đã 13 năm nay kể từ khi quen anh Wael và quyết định về quê anh sinh sống cách đây chục năm, chị không còn có dịp diện áo dài cùng chồng dạo phố. Mấy bộ áo dài ưng ý nhất đành phải xếp lại trong góc tủ và chỉ thỉnh thoảng được lấy ra để ngắm nghía, hồi tưởng.

Cảm xúc cũ cũng ùa về trong ký ức của chị Lê Thanh Thúy, sang định cư tại Mỹ từ năm 2005 và chỉ mới về Ai Cập sinh sống cùng chồng vốn là giáo sư đại học tại bang California, Mỹ, cách đây một năm. Mọi khó khăn, vất vả và lo toan trong thời gian qua gần như đã tan biến hẳn, chỉ còn gương mặt rạng rỡ khi được cùng chồng con đón Tết và chung vui bên những người bạn cùng quê.

Bên những người chị, người bạn mới của mình, chị Nguyễn Diệu Linh, người con gái gốc quê hương Quan họ vừa theo chân chồng là anh Kenji Ariyoshi, người Nhật sang Ai Cập làm cố vấn cho Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, cũng không còn thấy bỡ ngỡ như lúc vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế Cairo đầy nắng và cát sa mạc. Một trải nghiệm rất mới, dù đây không phải là cái Tết đầu tiên chị Linh xa nhà.

Một thoáng bùi ngùi xúc động khi mọi người cùng say sưa hòa lời bài hát ''Việt Nam quê hương tôi'' của nhạc sỹ Đỗ Nhuận với những hình ảnh thân thuộc của biển, trời đất Việt, nón lá, cánh đồng lúa, nương chè, cánh cò và những tà áo dài.

Khoảnh khắc đó, cảm giác nhớ nhà, nhớ quê hương da diết đến nao lòng trào dâng trong lòng bốn chị em cũng như hàng triệu người Việt xa xứ khác./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục