"Không nên giao thêm thẩm quyền điều tra cho thuế, chứng khoán"

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nếu giao thêm quyền điều tra cho các cơ quan như thuế, Ủy ban Chứng khoán, kiểm ngư... có thể dẫn tới nguy cơ hành chính hóa tội phạm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nếu giao thêm quyền điều tra cho các cơ quan như thuế, Ủy ban Chứng khoán, kiểm ngư... có thể dẫn tới việc bộ máy cơ quan điều tra "phình" ra, hơn nữa nguy cơ hành chính hóa tội phạm có thể nhiều hơn.

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, Đại biểu Nguyễn Đình Quyền đã có trao đổi với báo chí về Dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

- Thưa ông, có nhiều ý kiến trái chiều về việc mở rộng quyền điều tra cho các cơ quan như thuế, Ủy ban Chứng khoán, kiểm ngư... Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Theo tôi việc mở rộng số cơ quan điều tra sẽ không đúng với Nghị quyết của Bộ chính trị về thu gọn đầu mối của các cơ quan điều tra.

Hiện nay việc luật giao cho các cơ quan hải quan, kiểm lâm, cảnh sát biển, biên phòng thực hiện một số hoạt động điều tra là căn cứ vào đặc thù của các cơ quan này với địa bàn hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hoặc trên biển.

Trong khi đó, Ủy ban chứng khoán và thuế có trụ sở và phạm vi hoạt động ở những nơi có cơ quan điều tra chuyên trách. Riêng với kiểm ngư hoạt động trên biển thì đã có lực lượng cảnh sát biển và bộ đội biên phòng.

Điều rất lưu ý, qua hoạt động khảo sát và giám sát của Ủy ban tư pháp của Quốc hội trong nhiều năm cho thấy, các cơ quan được giao một số hoạt động điều tra dường như rất ít khởi tố và điều tra theo thẩm quyền mà hầu hết là xử lý vi phạm hành chính.

Trong đó có vụ xử lý vi phạm hành chính nhưng có dấu hiệu tội phạm như buôn lậu, khai thác khoáng sản trái phép... do vậy mà nếu luật càng mở rộng số cơ quan tiến hành hoạt động điều tra thì càng có nguy cơ bỏ lọt tội phạm trên các lĩnh vực đó.

Thực tế cho thấy, cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra không được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ điều tra tội phạm, không có điều tra viên, không có thủ trưởng cơ quan điều tra và trách nhiệm trong tố tụng hình sự không rõ nên kết quả hoạt động trên thực tế rất hạn chế.

Như vậy, về cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn không có cơ sở nào để tiếp tục mở rộng phạm vi, quyền hạn cho các cơ quan trên.

- Có ý kiến cho rằng, luật cần phải làm rõ hoạt động điều tra trong giai đoạn tố tụng và điều tra trong giai đoạn trinh sát, theo ông vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự lần này được xây dựng trên cơ sở tổng kết việc thi hành Pháp lệnh điều tra năm 2004, có thể thấy mô hình cơ quan điều tra theo pháp lệnh trên là phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tuy nhiên, nếu vẫn giữ như quy định của Pháp lệnh hiện hành thì rõ ràng chúng ta chưa tiến hành quán triệt sâu sắc chủ trương cải cách tư pháp của Đảng đó là tăng cương kết hợp một cách chặt chẽ giữa hoạt động trinh sát và điều tra nên theo tôi trong dự án luật này cần bổ sung một quy định về việc này, trong đó quan trọng nhất là việc chuyển hóa chứng cứ từ hoạt động trinh sát sang hoạt động điều tra.


- Theo ông có nên trao trao thêm quyền cho lực lượng công an xã tiến hành điều tra ngay từ giai đoạn đầu không?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Theo tôi có thể giao cho công an phường, thị trấn thực hiện một số tác nghiệp về tố tụng lấy lời khai ban đầu nhưng không nên giao cho công an xã thực hiện việc trên.

Bởi lẽ công an xã là lực lượng bán chuyên nghiệp không được đào tạo cơ bản mà một trong những vụ oan sai dẫn tới là việc bảo vệ hiện trường, bởi vì họ không có nghiệp vụ nên khi họ vào thì hiện sẽ bị xáo trộn mà hiện trường bị xáo trộn thì khi cơ quan chuyên trách vào thì việc điều tra rất khó khăn.

Hơn thế nữa công an xã cũng chưa có nghiệp vụ gì về điều tra tội phạm và bảo vệ hiện trường nên khi giao cho họ dẫn tới nguy cơ oan sai đáng tiếc.

- Cũng liên quan đến oan sai, thì có cơ chế nào để đảm bảo sự phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Giữa luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và luật tố tụng hình sự có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nhưng chủ thuyết của lần này là hoạt động điều tra và tố tụng phải đảm bảo dân chủ hơn, minh bạch hơn và đảm bảo quyền con người theo quy định của Hiến pháp năm 2013, cho nên việc xây dựng luật cũng tăng cường thiết chế kiểm soát quyền lực trong đó có 2 thiết chế quan trọng là thiết chế từ Viện Kiểm sát và thiết chế của luật sư.

Theo đó, luật sư có vai trò quan trọng trong công tác tố tụng, họ có thể tham gia rất sớm và họ có địa vị pháp lý cao hơn so với quy định của pháp luật hiện hành rồi Viện Kiểm sát cũng kiểm sát chặt chẽ hơn các giai đoạn đặc biệt là giai đoạn điều tra và hỏi cung bị can để đảm bảo vừa tránh oan sai đồng thời góp phần phóng chống tội phạm tốt hơn.

Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục