Không thống trị Olympic, Trung Quốc đã khỏi "bệnh thành tích"?

Không thống trị Olympic Rio, Trung Quốc đã khỏi "bệnh thành tích"?

Dù không giành được nhiều huy chương Olympic như các kỳ Thế vận hội trước, song dường như thể thao Trung Quốc đã chữa được căn bệnh thành tích từng khiến họ không giành được thiện cảm của cả thế giới.
Niềm vui và nguồn cảm hứng của Fu Yuanhui mới là điều mà Trung Quốc quan tâm (Nguồn: AFP)

Xu hướng lớn nhất của Olympic Rio 2016 sau sáu ngày thi đấu chính là việc Trung Quốc không còn thống trị bảng xếp hạng huy chương như các kỳ Thế vận hội gần đây.

Lần đầu tiên trong 16 năm, đoàn thể thao đại diện cho đất nước đông dân nhất thế giới đã không giành được huy chương vàng nào trong ngày thi đấu đầu tiên.

Sau 6 ngày thi đấu, Trung Quốc cũng chỉ giành được 11 huy chương vàng, 8 huy chương bạc, xếp khá xa sau đoàn Mỹ là 16 HCV và 12 HCB.

Trong khi đó, cùng thời điểm này ở Olympic London 2012, Trung Quốc đã giành đến 18 HCV, 11 HCB để dẫn đầu bảng tổng sắp.

Tuy nhiên, thay vì bày tỏ nỗi thất vọng khi đoàn thể thao nước nhà không phát huy được sức mạnh ở những môn truyền thống như bắn súng, thể dục dụng cụ và nhảy cầu, truyền thông Trung Quốc đã quay sang vỗ về các vận động viên, rằng đoạt huy chương Olympic không phải là tất cả!

“Huy chương không phải là tất cả và cũng không phải là mục tiêu tối thượng ở Olympic,” tờ China Daily viết trong bài xã luận, đồng thời nói rằng đa phần các cổ động viên Trung Quốc đã học được cách tận hưởng những giá trị cao quý mà thể thao đem lại thay vì kích động lòng tự tôn dân tộc ở đấu trường thể thao.

Theo AFP, đây được coi là bước chuyển mới về mặt tư duy của Trung Quốc, nước vẫn luôn coi những ngày hội thể thao lớn là dịp khuếch trương sức mạnh.

Ở các kỳ Olympic trước, người ta vẫn luôn nhìn thấy những giọt nước mắt của cả vận động viên lẫn cổ động viên mỗi khi có ngôi sao nào của Trung Quốc thất bại. Thậm chí, người thất bại còn nức nở xin lỗi công chúng vì không giành được HCV như kỳ vọng.

“Dĩ nhiên, chúng ta muốn thấy các vận động viên giành chiến thắng nhiều nhất có thể, đặc biệt là giành HCV. Nhưng chúng ta cũng nên vỗ tay và tận hưởng thành tích mà các vận động viên của chúng ta làm được, bởi họ đã cố gắng hết sức,” tờ China Daily viết.

[Cập nhật bảng xếp hạng, kết quả Olympic]

Trong một bài xã luận khác, tờ báo theo chủ nghĩa dân tộc Hoàn Cầu nói rằng việc không giành được nhiều huy chương như ở Bắc Kinh 2008 và London 2012 “không còn là điều quan trọng nữa, bởi sự tự tin của người Trung Quốc không cần phải được chứng minh bằng những chiếc huy chương.”

Trong những năm qua, Trung Quốc từng chịu nhiều điều tiếng về chiến lược phát triển thể thao nhằm có được huy chương bằng mọi giá của mình, với hình ảnh những đứa trẻ phải khổ luyện từ bé trong các lò đào tạo thể thao.

Câu chuyện về những nhà cựu vô địch phải đi ăn xin hay dọn vệ sinh đã khiến các bậc phụ huynh Trung Quốc phải giật mình, tự vấn rằng liệu có nên cho con mình theo nghiệp thể thao kiểu “luyện gà nòi” như trước hay không.

Đã có nhiều chất vấn về đầu tư cho thể thao nước này, khi Ủy ban Thể dục Thể thao Trung Quốc dành ngân sách tới 3,24 tỷ Nhân dân tệ (500 triệu USD) trong năm 2016 nhằm giành thành tích cao ở Olympic Rio.

Sau 6 ngày thi đấu, Trung Quốc mới giành được 11 HCV, đứng thứ hai trên bảng xếp hạng

Tuy nhiên, ngay cả khi ngôi sao bơi lội Ning Zetao không lọt vào chung kết nội dung 100m tự do nam, anh vẫn nhận được lời động viên từ truyền thông nước nhà.

Cho đến lúc này, ngôi sao Trung Quốc được ca ngợi nhiều nhất ở Olympic lại là vận động viên chỉ đoạt được huy chương đồng, kình ngư Fu Yuanhui, với gương mặt đầy hào hức khi trả lời phỏng vấn, tạo nên cơn sốt đối với người hâm mộ nước này.

“Niềm vui của cô ấy đã truyền cảm hứng cho mọi người. Các vận động viên Trung Quốc không phải là những cỗ máy giành huy chương,” biên tập viên China Sport Insider nói với AFP./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục