Dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có hoạt động kiểm toán.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh đã trả lời phỏng vấn TTXVN về định hướng phát triển của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian tới và những kế hoạch, giải pháp phù hợp, đảm bảo hoạt động kiểm toán được triển khai an toàn, hiệu quả.
- Xin Tổng Kiểm toán cho biết định hướng phát triển của Kiểm toán Nhà nước trong giai đoạn 5 năm tới?
- Ông Trần Sỹ Thanh: Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược, trong đó xác định một số mục tiêu, định hướng chính đến năm 2025 như sau:
Một là kiểm toán quyết toán ngân sách các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đạt tỷ lệ kiểm toán thường xuyên hằng năm khoảng 80%, còn lại 20% kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần.
Hai là phát triển đa dạng hóa các nội dung kiểm toán, từng bước tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, chuyên đề, môi trường, công nghệ thông tin, các nội dung và lĩnh vực kiểm toán mới; phấn đấu đến năm 2025 thực hiện kiểm toán các nội dung này đạt khoảng 30%.
Ba là phát triển Kiểm toán Nhà nước là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kịp thời cung cấp các thông tin phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong giám sát, quản lý, điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng.
Để đạt mục tiêu trên, Kiểm toán Nhà nước đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao vai trò trong phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường kiểm toán lĩnh vực môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu; hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; phát triển, hoàn thiện tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đồng thời, tăng chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách, khẳng định năng lực chuyên môn của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiêu biểu là công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, kết nối vạn vật trong hoạt động kiểm toán và chỉ đạo điều hành nội bộ...
- Kiểm toán môi trường là một hoạt động mang tính chiến lược lâu dài của Kiểm toán Nhà nước. Xin ông cho biết kế hoạch cụ thể về hoạt động này trong tương lai?
Ông Trần Sỹ Thanh: Thời gian qua, kiểm toán môi trường là một trong những chủ đề được Kiểm toán Nhà nước quan tâm thực hiện hằng năm, đồng thời, kiểm toán môi trường đã được Kiểm toán Nhà nước xác định rõ trong mục tiêu Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 "tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường đạt tỷ lệ khoảng 30% đến 40% số lượng các cuộc kiểm toán hằng năm."
Đặc biệt, nhiệm vụ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán lĩnh vực môi trường đã được khẳng định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Giai đoạn 2018-2020, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc kiểm toán môi trường, qua đó, đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập và kiến nghị nhiều giải pháp mang tính thực tiễn, khả thi, nhận được sự đồng thuận cao từ các cơ quan nhà nước, đơn vị được kiểm toán và dư luận xã hội.
Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), Kiểm toán Nhà nước đã chủ trì thực hiện thành công cuộc kiểm toán quốc tế với sự tham gia của cơ quan kiểm toán quốc gia hai nước Thái Lan và Myanmar với chủ đề "Quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mekong," nhận được sự đồng tình, cố vấn của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, được dư luận xã hội quan tâm.
[Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính trên 350.000 tỷ đồng]
Trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước xác định kiểm toán môi trường là nhiệm vụ quan trọng nhằm cung cấp kịp thời thông tin tin cậy về tình hình quản lý và bảo vệ môi trường cho Quốc hội để thực hiện giám sát; đồng thời, giúp Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý, góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán trong lĩnh vực này, Kiểm toán Nhà nước đang khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn về kiểm toán môi trường; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm toán môi trường; tăng cường năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực kiểm toán môi trường...
- Dịch COVID-19 đã tác động đến hoạt động kiểm toán ra sao và Kiểm toán Nhà nước đã ứng phó thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Trần Sỹ Thanh: Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động, linh hoạt và đề ra nhiều giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn nhằm đảm bảo vừa hoàn thành kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước, vừa đảm bảo hoạt động kiểm toán được triển khai an toàn, giảm ảnh hưởng đến các đầu mối, đơn vị tuyến đầu chống dịch.
Kiểm toán Nhà nước đã chủ động cắt giảm, không thực hiện các cuộc kiểm toán đối với các ngành y tế, công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tại các tỉnh đang có dịch COVID-19 để tạo điều kiện cho các đơn vị này tập trung chống dịch.
Các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán đã chủ động rà soát, cắt giảm thời gian, quy mô, đầu mối kiểm toán và điều chỉnh phương án tổ chức kiểm toán phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại từng địa phương để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước tổ chức họp trực tuyến hoặc gửi lấy ý kiến bằng văn bản đối với các đơn vị thay cho họp trực tiếp; đẩy mạnh việc tổ chức kiểm toán tại trụ sở cơ quan Kiểm toán Nhà nước… để hạn chế tiếp xúc với nhiều người và giảm thiểu sự ảnh hưởng đến các đơn vị được kiểm toán.
Ngoài ra, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước luôn nêu cao ý thức kỷ luật trong phòng, chống dịch COVID-19, vừa chấp hành nghiêm các chỉ thị, công điện, văn bản của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng và các địa phương về phòng, chống dịch, vừa thực hiện Kế hoạch kiểm toán đảm bảo kịp tiến độ, chất lượng đề ra.
Thời gian qua, toàn Đảng và toàn dân ta đã tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống đại dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc." Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Để đánh giá tình hình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công ứng phó với dịch COVID-19, Kế hoạch kiểm toán năm 2021 đã xác định một số nội dung trọng yếu cần ưu tiên tập trung thực hiện. Đó là đánh giá việc thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ; đánh giá việc thực hiện các quy định về miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm đánh giá tính tuân thủ trong thực hiện chính sách cũng như hiệu lực, hiệu quả và những bất cập của chính sách để kịp thời kiến nghị xử lý phù hợp, nhất là kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách nhằm bịt các lỗ hổng, tránh thất thoát nguồn lực công cho công tác này.
Đồng thời, trong hướng dẫn xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2022, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xác định kiểm toán, đánh giá hiệu quả việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là một trong những chủ đề cần được quan tâm thực hiện.
- Trân trọng cảm ơn ông./.