Kiên Giang: Khắc phục sạt lở phục vụ đi lại, giao thương hàng hóa của dân

Để đảm bảo việc đi lại, giao thương hàng hóa của dân, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp khắc phục những điểm sạt lở, sụt lún đất với nỗ lực, quyết tâm cao.
Đường tạm dọc Kênh Bốn Ngàn, xã An Minh Bắc vừa được mở để giúp việc đi lại của người dân an toàn. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)

Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sạt lở, sụt lún đất, mùa khô 2023-2024 của tỉnh Kiên Giang, huyện U Minh Thượng có hơn 450 điểm sạt lở, 42 căn nhà bị thiệt hại.

Để đảm bảo việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp khắc phục với nỗ lực, quyết tâm cao.

Xã An Minh Bắc là địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất do sạt lở, sụt lún của huyện U Minh Thượng với 31 căn nhà bị thiệt hại và gần 280 điểm sạt lở, sụt lún đất đường giao thông, tổng chiều dài khoảng 8km; trong đó, có hơn 30 điểm đường bị sạt lở, sụt lún gần như hoàn toàn, các phương tiện không thể di chuyển được và chính quyền địa phương đã làm các đường tạm để đảm bảo sản xuất và dân sinh của người dân.

Bà Nguyễn Thị Nga, ấp Công Sự, xã An Minh Bắc cho biết khoảng hơn 1 tháng xảy ra sạt lở, sụt lún đường giao thông trước nhà và một số tuyến đường lân cận việc đi lại của gia đình và người dân trong xóm khó khăn, nguy hiểm. Sau đó, từ giữa tháng Năm đến nay, các điểm bị ảnh hưởng, thiệt hại đã được làm đường tạm giúp cho việc di chuyển của bà con thuận lợi, an toàn hơn.

“Nhờ cấp trên quan tâm sớm làm đường tạm nên người dân mới yên tâm sinh sống và sản xuất. Nhất là việc đi học của các cháu và thương lái đi xe máy có thể đến thu mua chuối, mua khoai và các loại nông sản của người dân được kịp thời và có giá tốt hơn,” bà Nga chia sẻ.

Cũng có chung niềm phấn khởi khi các đoạn đường hư hỏng trên địa bàn xã được sửa chữa, hoặc khắc phục bằng những đoạn đường tạm, ông Trương Văn Tròn, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng cho biết khoảng 3 tuần qua, tất cả các đoạn đường bị sụt lún, sạt lở đã được làm đường tạm, sửa chữa bằng phẳng hơn giúp cho việc đi lại của người dân được dễ dàng. Không chỉ vậy, các xe tải nhỏ, xe ba gác có thể vào tận vườn để thu mua rau màu, chuối, gà vịt, lợn của người dân.

Đường tạm được mở cạnh đường tỉnh 965, xã An Minh Bắc được mở để đảm bảo cho các phương tiện xe 2 bánh lưu thông. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)

“Hiện tại các tuyến lộ liên ấp, lộ ngõ xóm được khắc phục đảm bảo cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, do tuyến đường tỉnh 965 (đường nối từ trung tâm huyện U Minh Thượng đến một số xã trên địa bàn) để xe tải, xe dịch vụ du lịch, taxi bị hư hỏng, cấm các phương tiện này di chuyển nên cũng ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh. Chúng tôi mong cấp trên sớm có giải pháp làm lại, hoặc sửa chữa lại con đường huyết mạch này để giao thông được đảm bảo hơn, phòng khi có người bệnh được vận chuyển kịp thời và hàng hóa được thông thương như trước,” ông Tròn nói.

Theo Ủy ban Nhân dân huyện U Minh Thượng, mùa khô 2023-2024 vừa qua trên địa bàn xảy ra 450 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 12km, gây thiệt hại cho 42 căn nhà. Đây cũng là đợt sạt lở, sụt lún gây thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay. Ước tổng thiệt hại do hiện tượng thời tiết cực đoan trên địa bàn huyện U Minh Thượng trong những tháng đầu năm nay hơn 160 tỷ đồng.

Ông Dương Quốc Khởi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện U Minh Thượng cho biết, đến nay, huyện đã mở gần 50 đường tạm với tổng chiều dài hơn 2,3km bằng bê tông hoặc đổ đá dăm, qua đó, cơ bản đáp ứng việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với Ủy ban nhân dân xã An Minh Bắc, xã Minh Thuận làm rào chắn tại 20 ấp với 37 tuyến đường khu vực vùng đệm, gắn hơn 30 biển cấm; giăng dây, lắp biển báo tại 450 điểm sạt lở, rạn nứt và lắp đặt 140 đèn chiếu sáng; vận dụng những vật dụng sẵn có tại địa phương để cảnh báo các phương tiện lưu thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương...

"Cùng với đó, huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan chuẩn bị tốt các điều kiện như: hoàn thiện phương án, hồ sơ thiết kế… để khi trên các tuyến sông, kênh đầy nước có thể vận chuyển được vật liệu sẽ tiến hành thi công sửa chữa các tuyến đường, cầu bị hư hỏng, thiệt hại để phục vụ sản xuất, dân sinh của nhân dân,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện U Minh Thượng Dương Quốc Khởi cho biết thêm.

Vùng đệm U Minh Thượng thuộc phạm vi của kênh đê bao ngoài của 2 xã An Minh Bắc và Minh Thuận, huyện U Minh Thượng. Diện tích toàn vùng hơn 22.300ha, gồm vùng đệm 14.300ha được bao bọc bởi Đường tỉnh 965 (đê bao ngoài) kết hợp hệ thống kênh, đường giao thông nông thôn trong nội vùng; vùng lõi 8.000ha thuộc Vườn quốc gia U Minh Thượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục