Kiên Giang: Nhiều động vật hoang dã được cứu hộ, chăm sóc, thả về tự nhiên

Từ đầu năm đến nay, Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Hòn Me (tỉnh Kiên Giang) tiếp nhận cứu hộ 5 loài, 6 cá thể, gồm 2 khỉ đuôi dài và 4 cá thể trăn đất, trăn gấm, rùa răng, cá sấu nước ngọt.

Vượn được nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)
Vượn được nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, từ đầu năm đến nay, một số đơn vị chức năng của tỉnh đã tiếp nhận, cứu hộ, chăm sóc nhiều cá thể động vật hoang dã, quý hiếm và thả về môi trường sinh sống tự nhiên.

Cụ thể là Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Hòn Me (Hòn Đất) tiếp nhận cứu hộ 5 loài, 6 cá thể, gồm 2 khỉ đuôi dài và 4 cá thể trăn đất, trăn gấm, rùa răng, cá sấu nước ngọt.

Các cá thể này do Công an phường Vĩnh Bảo (Công an thành phố Rạch Giá), Trại giam Kênh 7 (Bộ Công an) và người dân huyện An Biên, Giồng Riềng, thành phố Rạch Giá tự nguyện giao nộp.

Trạm đã phối hợp với phòng, đơn vị chuyên môn và Vườn Quốc gia U Minh Thượng thả về môi trường tự nhiên 8 loài, 22 cá thể, gồm 10 khỉ đuôi dài, 6 rùa răng, 3 trăn đất, 1 trăn gấm, 1 kỳ đà hoa, 1 rắn hổ mang một mắt kính.

Trạm chuyển giao sau cứu hộ cho Công viên Vinpearl Safari (Phú Quốc) cá thể cá sấu nước ngọt tiếp tục cứu hộ, chăm sóc và nuôi dưỡng theo quy định.

Hiện nay, Trạm cứu hộ Động vật hoang dã Hòn Me đang thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 15 loài với 47 cá thể, gồm 10 gấu ngựa; 2 vượn Phile, 6 khỉ đuôi dài, 6 khỉ đuôi lợn, 3 khỉ mặt đỏ, 1 khỉ vàng, 1 trăn đất, 3 rái cá vuốt bé, 3 rùa răng, 3 rùa đất lớn, 1 rùa Salcata, 5 cầy vòi hương, 1 cầy mực, 1 ó cá và 1 cá sấu nước ngọt.

Cùng với đó, Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) đã tiếp nhận cứu hộ, chăm sóc, phục hồi và tái thả các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm về môi trường tự nhiên trên lâm phần, chủ yếu là từ các vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.

TTXVN_1504dongvathoangda.jpg
Cầy vòi hương được nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia U Minh Thượng. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh thực thi pháp luật, tuyên truyền, phổ biến bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cơ quan chức năng, đơn vị có liên quan và các huyện, thành phố quán triệt, tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Đồng thời, yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật; không nuôi, trồng, mua bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại; không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép.

Tiếp đến, ngành chức năng phối hợp với các địa phương, đơn vị lâm nghiệp, chủ rừng các khu vực rừng trên địa bàn vùng U Minh Thượng, Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên, Giang Thành, đặc biệt là Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Khu Bảo tồn Loài - sinh cảnh Phú Mỹ (Giang Thành), Vườn Quốc gia Phú Quốc và vùng biển đảo, tăng cường tuyên truyền pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và không phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.

Đồng thời, tuyên truyền không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là các loài động vật hoang dã nguy cấp và các sản phẩm của chúng; không mua, bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.

Mặt khác, các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nuôi, trồng, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên tại các khu vực tâm linh như đình, chùa, đền… xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ trì, phối hợp với lực lượng kiểm ngư, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển, công an xây dựng kế hoạch, tổ chức phối hợp liên ngành để thanh tra, kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh, gây nuôi động vật hoang dã, các tuyến vận chuyển hàng hóa trọng điểm.

Qua đó, nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã theo đúng quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục