Kinh tế Cuba và những nghịch lý về việc ngừng tiếp nhận đồng USD

Nhiều ý kiến cho rằng việc Cuba ngừng tiếp nhận đồng USD bằng tiền mặt đi ngược lại với nhu cầu thu hút và vốn hóa tất cả số ngoại tệ vãng lai trong lãnh thổ Cuba.
Đồng 100 USD. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên quan đến quyết định của ngân hàng trung ương Cuba về việc hệ thống ngân hàng tại đảo quốc này sẽ ngừng thu nhận tiền mặt bằng đồng USD, báo mạng OnCuba cho rằng chính sách “săn đuổi” tài chính của Mỹ nhằm chống lại Cuba, dù không phải là mới, nhưng đã được triển khai mạnh mẽ chưa từng thấy trong vòng hai năm qua.

Những quyết sách đối với “hòn đảo tự do” do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump ban hành và sau đó được chính quyền tân Tổng thống Joe Biden duy trì suốt những tháng qua là không thể phủ nhận.

Hậu quả của gói 243 biện pháp tăng cường cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính được Mỹ áp dụng nhằm chống lại Cuba trong 4 năm qua đã lan rộng và hiện hữu trong mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội Cuba.

Trong bối cảnh đó, ngày 10/6 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Cuba đã quyết định tạm ngừng tiếp nhận đồng USD bằng tiền mặt vào mọi tài khoản trong hệ thống ngân hàng của nước này kể từ ngày 21/6 và tuyên bố lượng tiền này sẽ không có khả năng được ký gửi vào các tài khoản của Chính phủ Cuba tại nước ngoài để trang trải các nhu cầu cần thiết.

Mục đích thật sự đằng sau lệnh tạm ngưng

Bước đi quyết liệt này được lý giải công khai như lựa chọn duy nhất trước vòng vây ngày càng siết chặt của Mỹ quanh nền kinh tế Cuba. Tuy nhiên, bất chấp hoàn cảnh đã nêu, đã có không ít những nghi vấn được đặt ra trước lập luận này.

Đầu tiên, biện pháp này đi ngược lại với nhu cầu thu hút và vốn hóa tất cả số ngoại tệ vãng lai trong lãnh thổ Cuba.

[Cuba thiệt hại 20 tỷ USD vì các biện pháp trừng phạt của ông Trump]

Đây là mục tiêu cơ bản của tiến trình đô la hóa một phần nền kinh tế, vốn đã được khởi động vào năm 2019 với việc mở chuỗi cửa hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng sử dụng “đồng ngoại tệ tự do chuyển đổi” (MLC), mà trên thực tế là đồng USD.

Đôi khi, cơ chế này còn được diễn giải là công cụ thúc đẩy ngành công nghiệp nội địa với chiến lược “xuất khẩu ngay trong biên giới,” và do đó liên tục được mở rộng từ số lượng cơ sở cho tới các loại mặt hàng bày bán.

So với hàng điện tử và đồ xa xỉ bày bán ban đầu, giờ đây các doanh nghiệp nhà nước độc quyền ngoại thương của Cuba có thể đưa vào kênh phân phối bằng đồng USD này ngày càng nhiều loại mặt hàng từ trung gian cho tới thành phẩm cuối, thậm chí cả thực phẩm cơ bản và nhu yếu phẩm thiết yếu nhất.

Giờ đây, trước việc hệ thống ngân hàng Cuba ngừng tiếp nhận đồng USD bằng tiền mặt, cho dù có thể một phần kiều hối được chuyển bằng tiền mặt vào Cuba sẽ được đổi thành đồng tiền khác hoặc chuyển sang chuyển khoản qua ngân hàng, song khả năng cao là phần lớn lượng kiều hối này vẫn tiếp tục được chuyển vào Cuba bằng đồng USD.

Cho dù Nhà nước Cuba tạm thời từ chối việc tín dụng hóa lưu lượng tiền mặt này, song đa phần người dân Cuba vẫn có lý do rất thuyết phục để tích trữ tiền mặt bằng đồng USD.

Đầu tiên, đó là nhu cầu luân chuyển, dự trữ vốn và lợi nhuận từ hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch tư nhân bán công khai, nói rõ hơn là những “cửu vạn” xuất cảnh ngắn ngày sang các nước lân cận với mục đích duy nhất là mang lượng hàng hóa đáp ứng các các quy định về hạn mức đóng thuế của nhà nước và bán lại ở trong nước.

Có thể trước mắt, nhu cầu đồng USD tiền mặt tại Cuba sẽ giảm đôi chút từ tác động của chính sách mới này, đặc biệt trong bối cảnh các hoạt động đi lại ra các nước lân cận vẫn chưa thể khôi phục do tình trạng dịch bệnh, nhưng về trung hạn nhu cầu này khó có thể sụt giảm đáng kể.

Cho dù hiện tại người dân Cuba không còn khả năng ký gửi số tiền này vào tài khoản MLC (chỉ để phục vụ mua sắm tại chuỗi cửa hàng đã nói ở trên), thì những nhu cầu khác đối với đồng bạc xanh tại Cuba vẫn không bị ảnh hưởng.

Ngay khi dịch vụ hàng không dân dụng có dấu hiệu phục hồi, những “cửu vạn” sẽ có xu hướng tiếp tục lên đường để giải tỏa phần nào tình trạng khan hiếm hàng hóa trầm trọng mà cơ chế nhà nước không thể thỏa mãn. Và trong thời gian tới, những “nhà nhập khẩu tiểu ngạch” gần như chắc chắn sẽ bán lại hàng hóa của mình trực tiếp bằng đồng USD để quay vòng vốn.

Như vậy, quyết định ngừng “tài khoản hóa” tiền mặt USD được dự báo sẽ không ngăn cản được xu hướng mở rộng việc sử dụng đồng USD trong các thị trường thứ cấp không chính thức hay “chợ đen” trong vài tháng qua.

Điều này bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính, một là lòng tin sụt giảm mạnh đối với đồng peso nội tệ do tình trạng lạm phát nhanh và mạnh kể từ khi Cuba tăng lương đột ngột và tiến hành “bình ổn tiền tệ” từ đầu năm nay, song lại không có các biện pháp kinh tế thích hợp đi kèm khiến hệ thống tham chiếu giá cả trước đây hoàn toàn mất tác dụng.

Thứ hai là sự tồn tại của một đồng tiền khác - đồng USD do chính Nhà nước khởi xướng. Đồng tiền này có khả năng nhanh chóng đảm nhận các chức năng mà đồng peso nội tệ đang đánh mất.

Có thể nói, tình trạng này đã tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho việc USD hóa các thị trường không chính thức tại Cuba - mà bản thân những thị trường này cũng đang không ngừng mở rộng khi các hệ thống phân phối của Nhà nước, cả dưới hình thức trợ cấp tem phiếu lẫn bán theo “giá thị trường” - đang ngày càng cách xa mục tiêu đảm bảo các mặt hàng thiết yếu cho đời sống hàng ngày của người dân.

Cuba cần nhiều hơn thế

Đã có tiếng nói cho rằng nguyên nhân thực sự của quyết định của Chính phủ Cuba bắt nguồn từ ý đồ muốn thu gom nhanh lượng tiền USD vãng lai trong dân chúng, như đã từng diễn ra vài lần trong lịch sử kinh tế Cuba ba thập kỷ qua.

Bởi tới trước tuyên bố ngày 10/6, đa phần người dân Cuba chỉ gửi rất nhỏ giọt đồng USD vào các tài khoản này theo đúng nhu cầu mua sắm; và luôn ưu tiên “cất tiền tại nhà” hơn là gửi vào các tài khoản của hệ thống ngân hàng nhà nước.

Tuy nhiên, kể cả nếu quả thực nguyên nhân của biện pháp quyết liệt mà La Habana vừa áp dụng là những hạn chế và trừng phạt của một chính phủ nước ngoài mà Cuba không thể kiểm soát hay thậm chí tác động, thì trạng thái “tạm thời này có thể kéo dài nhiều năm và do đó chỉ việc lên án và tố cáo là không đủ. Cuba cần tìm ra những giải pháp mới và sáng tạo cho vấn đề này.

La Habana có thể làm rất nhiều điều với khối tiền mặt bằng đồng USD mà họ tuyên bố là bị “tồn đọng” và không thể nạp vào các tài khoản ở ngoài nước, đặc biệt khi mà thiếu hụt thanh khoản ngoại tệ là căn bệnh trầm kha mãn tính của Cuba từ nhiều năm qua.

Thế nhưng, phải nhấn mạnh một lần nữa là Cuba chỉ có thể vượt qua những hệ quả tiêu cực của các lệnh cấm vận và thúc đẩy nền kinh tế nếu chiến thắng được những giáo điều đang kìm hãm những cải cách kinh tế mà chính giới lãnh đạo Cuba đã rất nhiều lần khẳng định là muốn triển khai.

Đơn cử, xét tới việc tại Cuba có một thị trường hối đoái thứ cấp hiện đã rất phổ biến với người dân, trong đó tỷ giá hối đoái cao hơn nhiều so với mức ấn định chính thức, Chính phủ Cuba có thể can thiệp theo hình thức điều tiết mua bán tiền mặt USD, như đã từng làm năm 1994 thông qua việc thiết lập hệ thống nhà đổi tiền (CADECA).

Điều này tất nhiên bao gồm việc một lần nữa chấp nhận một tỷ giá hối đoái thứ hai cao hơn và sát với thực thế hơn, nhưng sẽ giúp ích cho việc kiểm soát và đảo ngược vòng xoáy đầu cơ hiện tại.

Đồng thời, động thái đó cũng đóng góp lớn vào việc bảo vệ sức mua của những khoản lương mới được cải cách vài tháng qua, nhưng hiện đã gần như mất giá trị trong thực tế.

Ngoài ra, Chính phủ Cuba cũng có thể cấp tín dụng bằng đồng USD cho những nhóm khởi nghiệp tư nhân hay hợp tác xã, để họ có thể xuất cảnh và tự đầu tư mua sắm vật tư thiết bị phục vụ công việc kinh doanh của mình.

Hình thức này vừa có thể “khoan thủng” bức tường cấm vận, xoa dịu tình trạng thiếu thốn vật tư nguyên liệu, đồng thời có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước, thậm chí cả sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, Chính phủ Cuba cũng có thể tính tới các biện pháp khuyến khích kiều dân Cuba gửi hàng hóa trực tiếp thay cho kiều hối - trên cơ sở tình trạng khan hiếm hàng hóa trong nước trầm trọng hiện tại - như miễn thuế đối với thực phẩm, thuốc men, sản phẩm công nghệ, vật tư nông nghiệp, những sản phẩm mà hệ thống cung ứng nhà nước Cuba hiện không thể đảm bảo do những kiềm tỏa của cấm vận và trừng phạt.

Chặng đường 60 năm đã chứng minh chính sách cấm vận của Mỹ không thể thay đổi được trật tự chính trị của Cuba, nhưng cũng trong từng đó năm, những đấu tranh chính trị của Cuba cũng không làm suy chuyển được chính sách trừng phạt đơn phương này của Mỹ. Nếu tiếp tục coi tố cáo cấm vận là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi người dân Cuba, Cuba sẽ còn tiếp tục phí phạm thời gian, sức lực và những nguồn lực không thể phục hồi của mình thay vì tập trung vào những giải pháp cho từng vấn đề cụ thể.

Mô hình kinh tế hiện tại của Cuba không phải là mô hình duy nhất có thể tồn tại trong thế bao vây cấm vận, mà đúng hơn là mô hình mà dưới những hoàn cảnh của cấm vận, chính Cuba đã thả lỏng cho sự phát triển không lành mạnh.

Gốc rễ của tất cả những khó khăn kinh tế to lớn hiện tại của “hòn đảo tự do” là những biến dạng về cấu trúc của một mô hình phát triển theo tư duy độc ngành mà Cuba chưa thể vượt qua từ vài thế kỷ qua.

Đảo quốc Caribe này không thể tiếp tục dựa vào du lịch và kiều hối, hay chỉ nhờ vào bất kỳ ngành nghề đơn lẻ nào, mà cần phải tiến hành khẩn cấp một cuộc cách mạng trong sản xuất và để làm điều đó, thúc đẩy cải cách là hướng đi cốt lõi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục