Ngày 23/5, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã để ngỏ khả năng sớm tăng lãi suất cơ bản. Đây được cho là một chỉ dấu rõ ràng về một đợt tăng lãi suất tiếp theo vào tháng Sáu tới như kỳ vọng của các thị trường tài chính.
Các quan chức Fed đã dẫn những số liệu tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ, nhu cầu tuyển dụng tăng, và thực tế rằng tỷ lệ lạm phát cuối cùng cũng đã tăng cao hơn.
Trong biên bản cuộc họp ngày 1-2/5 vừa công bố, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất từng bước, ngay cả khi lạm phát tăng "vừa phải" trên mức mục tiêu 2% và mức tăng này chỉ là tạm thời.
Hầu hết các quan chức tham dự cuộc họp đều nhất trí rằng nếu kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng như kỳ vọng và đây có thể sẽ là thời điểm thích hợp để FOMC "có bước đi tiếp theo."
Tại cuộc họp trên, các quan chức Fed đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về số lần tăng lãi suất cơ bản tiếp theo, có tính đến yếu tố giá cả hàng hóa và mức lương của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, biên bản cuộc họp cũng giải tỏa những quan ngại về khả năng Fed có bước đi cứng rắn nếu lạm phát đạt mức mục tiêu 2% đề ra.
[Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau khi Fed công bố biên bản họp chính sách]
Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 2 lần trong năm nay, song các thị trường hiện đang theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cho thấy FOMC có thể sẽ hành động mạnh tay trong bối cảnh lạm phát đã vượt mức mục tiêu sau nhiều tháng ở mức thấp.
Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế dự báo sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2018, do Fed lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế Mỹ trong tương lai gần.
Lần gần đây nhất Fed tăng lãi suất cơ bản là vào tháng Ba vừa qua, theo đó lãi suất được nâng lên phạm vi 1,5-1,75%. Đây là đợt tăng lãi suất thứ 6 kể từ tháng 12/2015.
Sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp cho thấy khả năng sớm tăng lãi suất, thị trường chứng khoán của Mỹ và châu Âu đi ngược chiều nhau trong phiên giao dịch ngày 23/5, trong đó Phố Wall chốt phiên tăng điểm.
Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones nhích 0,2% lên 24.883,85 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 2.733,15 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng thêm 0,6% lên 7.425,70 điểm.
Đáng chú ý là giá cổ phiếu của General Electric đã có một phiên giao dịch tồi tệ nhất trong gần một thập niên qua, sau khi Giám đốc điều hành John Flannery dự báo mảng kinh doanh điện của hãng không có dấu hiệu tăng trưởng. Giá cổ phiếu của General Electric đã giảm 7,3% trong phiên này.
Tại thị trường châu Âu, các chỉ số chứng khoán đi ngược chiều với Phố Wall do số liệu kinh tế yếu kém của Khu vực Sử dụng đồng euro (Eurozone) và tâm lý lo ngại liệu hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng Sáu tới có diễn ra theo kế hoạch hay không.
Theo số liệu công bố ngày 23/5, tốc độ tăng trưởng hoạt động kinh doanh tại Eurozone vẫn chậm chạp trong tháng 5 do các doanh nghiệp không mấy lạc quan về “thể trạng” kinh tế tại châu Âu.
Chỉ số FTSE 100 tại thị trường London (Anh) giảm 1,1% xuống 7.788,55 điểm, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) hạ 1,3% xuống 5.565,85 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 1,5% xuống 12.976,84 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 1,3% xuống 3.541,82 điểm./.