Kon Tum: Long trọng lễ công bố Bảo vật Quốc gia Tăng T59 số hiệu 377

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Tô Sa Phương, xe tăng T59 số hiệu 377 là độc bản, có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc.
Đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia đối với xe tăng T59 số hiệu 377 cho huyện Đăk Tô. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

Tối 27/4, Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận xe tăng T59 số hiệu 377 là Bảo vật Quốc gia và diễn ra Ngày hội Văn hóa các Dân tộc trên địa bàn huyện.

Các hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) và 51 năm Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2023).

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Tô Sa Phương cho biết với tầm vóc và ý nghĩa to lớn, xe tăng T59 số hiệu 377 là độc bản, có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh và giải phóng dân tộc.

Xe tăng số hiệu 377 được trưng bày tại di tích chiến thắng Đăk Tô-Kon Tum (Ảnh: TTXVN phát)

Việc công nhận xe tăng T59 số hiệu 377 là Bảo vật Quốc gia góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc; giúp nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, hun đúc ý chí, khát vọng xây dựng đất nước hưng vượng, hùng cường cho các thế hệ mai sau.

Xe tăng T59 số hiệu 377 hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại khuôn viên tượng đài Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, là hiện vật quý, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân và khách quốc tế.

Đây là vật chứng xác thực ghi dấu chiến công to lớn "kỳ tích 1 chọi 10" của quân và dân Việt Nam nói chung và bộ đội Tăng thiết giáp nói riêng trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

[Phó Thủ tướng ký quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia]

Năm 1972, xe tăng T59 số hiệu 377 do Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển làm trưởng xe; hạ sỹ Cao Trần Vịnh là lái xe, hạ sỹ Nguyễn Đắc Lượng và hạ sỹ Hoàng Văn Ái là pháo thủ.

Rạng sáng 24/4/1972, bộ đội ta nổ súng tiến công tiêu diệt địch tại cứ điểm Đăk Tô-Tân Cảnh. Xe tăng 377 dẫn đầu đội hình tấn công căn cứ E42-Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2.

Do hỏa lực pháo binh, máy bay địch tấn công dữ dội nên xe tăng số hiệu 354 và 369 không theo kịp xe tăng 377. Phát hiện chỉ có một mình 377 của ta, địch tung 10 xe tăng M-41, M-24 chia làm 2 mũi hợp vây. Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển - trưởng xe cùng đồng đội đã dũng cảm quyết chiến.

Xe tăng số hiệu 354 và 369 mở hết tốc lực để ứng cứu xe tăng 377. Đến nơi, đồng đội thấy xe tăng 377 đang bốc cháy; gần đó là 7 xác xe tăng địch đã bị tiêu diệt. Kíp lái 4 người đã anh dũng hy sinh. 

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 9-1-2009, kíp xe tăng 377 đã được Chủ tịch nước truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Quyết định số 41/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận xe tăng T59 số hiệu 377 là Bảo vật Quốc gia đã Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã công bố và trao cho huyện Đăk Tô.

Nhân kỷ niệm 51 năm Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, huyện Đăk Tô đã tổ chức dâng hoa, dâng hương các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện; khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc trên địa bàn; tổ chức không gian trưng bày các sản phẩm OCOP, trại sáng tác văn học nghệ thuật và triển lãm ảnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục