Kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM: Giải quyết những vấn đề người dân quan tâm

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Tăng Chí Thượng lưu ý, để ngăn ngừa nguy cơ "dịch chồng dịch," công tác phòng dịch COVID-19 và sốt xuất huyết cần được triển khai quyết liệt, bền bỉ và đồng bộ hơn nữa.
Kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM: Giải quyết những vấn đề người dân quan tâm ảnh 1Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi về tình hình y tế, dịch bệnh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 7/7, kỳ họp thứ 6 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bước vào phiên làm việc tại Hội trường, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội của thành phố trong 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Các đại biểu cơ bản thống nhất, đánh giá cao về những giải pháp đột phá, xác định trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế-văn hóa-xã hội 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhiệm vụ kinh tế-văn hóa-xã hội 6 tháng cuối năm 2022.

Cảnh giác với nguy cơ “dịch chồng dịch”

Thông tin tại kỳ họp về hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 và dịch sốt xuất huyết, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sau hơn 2 năm cả thành phố nỗ lực chống lại dịch COVID-19, nhiều tháng qua cơ bản đã kiểm soát được tình hình, nhưng hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước nguy cơ "dịch chồng dịch" khi dịch COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại với những biến thể phụ của chủng Omicron và dịch bệnh lưu hành sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh.

Vừa qua, Bộ Y tế đã công bố biến thể phụ của chủng Omicron BA.4 và BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận sự xuất hiện của các chủng mới này; số ca mắc mới COVID-19 và ca bệnh nặng bắt đầu tăng trở lại và nguy cơ bùng phát COVID-19 có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết, theo ông Tăng Chí Thượng, tính đến ngày 5/7, toàn thành phố ghi nhận hơn 23.000 ca sốt xuất huyết, trong đó 11 ca tử vong, tăng cao so với mức trung bình hàng năm giai đoạn 2016-2020.

Theo đánh giá của Sở Y tế thành phố, vào những tháng cuối năm 2022, khi thành phố bước vào mùa mưa, số ca mắc sốt xuất huyết của thành phố có nguy cơ tiếp tục gia tăng và theo đó là số ca bệnh nặng và tử vong cũng sẽ tăng, nếu không quyết liệt thực hiện những biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết ngay từ bây giờ.

Ông Tăng Chí Thượng cho biết, xác định rõ mối nguy cơ đó, ngành y tế thành phố chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực tương ứng với các tình huống và kịch bản theo diễn tiến xấu của dịch COVID-19 và dịch sốt xuất huyết để sẵn sàng kích hoạt hệ thống thu dung điều trị theo từng tình huống nhằm hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong. Nhưng quan trọng hơn hết chính là công tác phòng dịch COVID-19 và sốt xuất huyết cần được triển khai quyết liệt hơn, bền bỉ hơn và đồng bộ hơn.

Theo ông Tăng Chí Thượng, cần đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay khá dồi dào về vaccine và có sẵn nguồn lực cho hoạt động tiêm vaccine.

[TP.HCM: Triển khai hiệu quả Chương trình nhà ở xã hội]

Đối với dịch sốt xuất huyết, đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chính vẫn là cắt đứt đường lây truyền bệnh thông qua hoạt động diệt muỗi và lăng quăng.

Trao đổi cùng các đại biểu, ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tích cực, các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố đã thu hút giải quyết việc làm cho 162.781 lượt lao động, đạt 54,26% kế hoạch năm 2022, tạo ra là 72.756 việc làm mới, đạt 51,97% kế hoạch.

Kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM: Giải quyết những vấn đề người dân quan tâm ảnh 2Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố trao đổi về tiến độ giải ngân đầu tư công. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Bên cạnh thu hút lao động làm việc trong nước, công tác giải quyết việc làm ngoài nước thông qua hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có nhiều dấu hiệu khởi sắc với số lao động đã đi làm việc tại các nước là 3.825 người

Ông Lê Văn Thịnh cho biết thêm, thành phố đã phê duyệt chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 15.144 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố bổ sung nguồn vốn cho vay ưu đãi là 5.326 tỷ đồng (gồm bổ sung cho vay hỗ trợ giảm nghèo là 792 tỷ đồng, bổ sung cho vay giải quyết việc làm là 4.534 tỷ đồng).

Sâu sát với những quan tâm của cử tri

Tại kỳ họp, bà Đỗ Thị Minh Quân, Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin về chương trình thảo luận tại các tổ ở ngày làm việc đầu tiên.

Qua ghi nhận tại các tổ, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nhiều nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm.

Các đại biểu đánh giá cao về những giải pháp đột phá, xác định trọng tâm trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế-văn hóa-xã hội 6 tháng đầu năm 2022, là những nỗ lực rất lớn của thành phố, đưa ra chủ trương, chính sách quyết tâm khắc phục khó khăn, ổn định tình hình kinh tế và hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản 6 tháng đầu năm.

Kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Các đại biểu đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tăng cường chỉ đạo và có giải pháp cụ thể trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; các sở, ngành cần xem lại trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác giải ngân.

Các đại biểu cũng đề nghị thông tin việc triển khai dự án Vành đai 3, có giải pháp cụ thể về chính sách giá đền bù và tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án; phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, xã, thị trấn trong việc giám sát các dự án tại địa phương.

Các đại biểu đề nghị thành phố sớm đánh giá hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội; kiến nghị Trung ương có cơ chế đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh về số lượng biên chế tăng thêm so với quy định chung (có thêm 10.000 dân thì tăng 1 biên chế); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cập nhật thông tin liên quan đến dân cư và chia sẻ dữ liệu giữa các ngành nhằm tạo sự đồng bộ trong quản lý…

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị thành phố cần xem xét, nghiên cứu triển khai chính sách khuyến khích, thu hút, phát triển nguồn nhân lực ngành y tế và chính sách kích cầu trong việc đầu tư trang thiết bị y tế. Đồng thời, tiếp tục quan tâm chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tiếp theo…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục