Kỷ nguyên mới trong quan hệ của Nga và Trung Quốc

Chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh dấu mối quan hệ hợp tác chưa từng có giữa Moskva và Bắc Kinh trong một "sứ mệnh" chung nhằm đối phó với Mỹ và NATO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung trước cuộc hội đàm tại Bắc Kinh. (Ảnh: AP)

Theo Đài RFI và Sputnik, sau khi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 ngày 4/2, chuyến đi của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khép lại vào ngày 5/2 với bữa tiệc chiêu đãi tại Đại lễ đường nhân dân.

Chuyến công du của nguyên thủ Nga đánh dấu quan hệ hợp tác chưa từng có giữa Moskva và Bắc Kinh để chống kẻ thù chung là Mỹ cũng như chống lại sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Quan hệ Nga-Trung thăng hạng

Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 5/2, sau cuộc gặp rất được mong đợi giữa Tập Cận Bình và Putin, Trung Quốc và Nga đã đưa ra một tuyên bố chung dài, trong đó nêu rõ chi tiết những quan điểm chung và những sự đồng thuận về các vấn đề lớn toàn cầu và khu vực, đồng thời phản đối gay gắt sự bá quyền của phương Tây do Mỹ dẫn đầu, vốn ngày càng đe dọa an ninh và ổn định toàn cầu, một động thái mà các chuyên gia cho là mở ra một kỷ nguyên mới của các mối quan hệ quốc tế.

Trong cuộc gặp trước lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông (Olympic) Bắc Kinh 2022, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự phối hợp chiến lược “chung lưng đấu cật” sâu sắc hơn nữa giữa hai nước nhằm duy trì sự công bằng và công lý quốc tế, đồng thời tôn trọng triệt để bốn đồng thuận trong việc ủng hộ chủ quyền, an ninh và những lợi ích phát triển của nhau để đối phó tốt hơn với sự can thiệp từ bên ngoài và các mối đe dọa trong khu vực.

Các chuyên gia Trung Quốc nhận định những đồng thuận rộng rãi của hai nước về hầu hết các vấn đề cốt lõi liên quan đến sự ổn định chiến lược toàn cầu, được thể hiện trong cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo và được nêu trong tuyên bố chung dài gần 6.000 từ, là điều cực kỳ hiếm thấy và sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp chiến lược chặt chẽ giúp đảm bảo sự ổn định và hòa bình toàn cầu.

Tuyên bố chung này, vốn tập trung vào các mối quan hệ quốc tế trong kỷ nguyên mới và sự phát triển bền vững toàn cầu, đã đề cập sâu rộng đến các lập trường chung về dân chủ, sự phát triển, an ninh và trật tự.

Tuyên bố chung đã đề cập đến Mỹ ít nhất 5 lần và hàm chứa lập trường chung của hai nước về một số vấn đề quan trọng của khu vực và toàn cầu, bao gồm những sự phản đối kiên quyết hoặc những quan ngại nghiêm trọng về sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông, phe nhóm tư tưởng do phương Tây lãnh đạo nhân danh dân chủ, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đe dọa sự ổn định của khu vực, quan hệ đối tác an ninh ba bên giữa Australia, Mỹ và Anh (AUKUS), cùng các hoạt động vũ khí sinh học của Mỹ ở trong nước và nước ngoài.

Lỗ Hướng, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn Cầu ngày 4/2 rằng “đây là lần đầu tiên Trung Quốc và Nga đưa ra một tuyên bố dài như vậy sau cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia, trong đó bao gồm tất cả các vấn đề lớn và những vấn đề chiến lược, đồng thời cho thấy các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đã đạt đến một mức độ chưa từng có tiền lệ.”

[Lãnh đạo Nga, Trung Quốc khẳng định quan hệ đối tác chiến lược]

Vị chuyên gia Trung Quốc cho rằng trật tự thế giới đã bước sang một kỷ nguyên mới, đồng thời nhấn mạnh rằng đối mặt với sự bá quyền của Mỹ - một sản phẩm do tâm lý Chiến tranh Lạnh để lại, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia duy nhất có khả năng bảo vệ những lợi ích cốt lõi và chủ quyền của mình.

Ông nói: “Sự đoàn kết giữa Trung Quốc và Nga mang lại một định nghĩa mới về trật tự thế giới, khi họ chia sẻ sự nhận thức chung về nguồn gốc của các mối đe dọa lớn đối với sự ổn định toàn cầu.”

Đối với ngành ngoại giao của Trung Quốc, ít nhất đây cũng là sự thể hiện tình đoàn kết tương thân tương ái và “sự hợp tác chiến lược sâu rộng” giữa hai nước trước kẻ thù chung là Mỹ.

Tập Cận Bình và Vladimir Putin, những người thường xuyên gọi nhau là “bạn chí cốt” hoặc “bạn thân” đang tay trong tay để chống lại bất kỳ sự mở rộng nào của NATO trong tương lai.

Việc tái lập các khối từng bị giải thể cũng là nhằm chống lại liên minh AUKUS ở Thái Bình Dương và chống lại việc Đài Loan giành độc lập.

Nga đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc rằng đảo Đài Loan được cai trị dân chủ là một phần bất khả xâm phạm của Trung Quốc và phản đối bất cứ hình thức độc lập nào cho hòn đảo này.

Ngày 4/2, Đài Loan đã lên án thời điểm “hèn hạ” mà Trung Quốc và Nga bắt tay khởi động mối quan hệ đối tác "không giới hạn" của mình vào lúc Thế vận hội mùa Đông khai mạc, nói rằng chính phủ Trung Quốc mang tới nỗi hổ thẹn cho tinh thần của Thế vận hội.

Thế nhưng, đối với công luận Trung Quốc, có lẽ dấu hiệu rõ ràng nhất của sự xích lại gần nhau này được thể hiện ở chỗ đây là lần đầu tiên trong hai năm trở lại đây, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không giữ khoảng cách an toàn dịch tễ với Tổng thống Nga để lên án những người tẩy chay ngoại giao Thế vận hội đã chính trị hóa thể thao.”

Theo đài France 24, về cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình trước khi Thế vận hội khai mạc, Putin nói: “Các nhà khai thác dầu khí của chúng tôi đã chuẩn bị những giải pháp mới rất tốt về nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc.”

Ông nhắc tới “một bước tiến” của ngành công nghiệp khí đốt, ý nói đến một hợp đồng mới về việc cung cấp 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm cho Trung Quốc từ vùng Viễn Đông của Nga.

Hiện Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 3 của Bắc Kinh và đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, nhằm giảm sự lệ thuộc vào các khách hàng lâu nay ở châu Âu.

Thông điệp đằng sau chuyến thăm của Putin

Theo nhà phân tích Jiří Just trên trang Lidovky.cz của CH Czech ngày 4/2, việc Tổng thống Nga Putin tham dự khai mạc Thế vận hội mùa Đông là thông điệp gửi tới cả Bắc Kinh và phương Tây: Trung Quốc là người bạn thực sự duy nhất.

Trên hết, chuyến đi của Putin tới Bắc Kinh là một tín hiệu chính trị đa tầng đối với đồng minh Trung Quốc và cả với phương Tây, vốn đang trong quan hệ căng thẳng với Moskva và Bắc Kinh.

Chuyến thăm của Tổng thống Nga đánh dấu kỷ niệm 20 năm phê chuẩn Hiệp ước láng giềng tốt đẹp, hữu nghị và hợp tác Nga-Trung, như Putin đã đề cập trong phát biểu với hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, là nền tảng của mối quan hệ giữa hai cường quốc.

Trả lời phỏng vấn của Lidovky.cz, nhà Trung Quốc học người Nga Leonid Kovacic cho biết: "Có thể nói trong vài năm gần đây, ở cấp độ chính trị cũng như ở cấp lãnh đạo cao nhất của cả hai nước, sự hợp tác và tin cậy lẫn nhau đã được củng cố đáng kể.”

Tuy nhiên, ông Kovacic chỉ ra rằng bất chấp những tuyên bố lạc quan giữa Nga và Trung Quốc, hiện vẫn tồn tại một số điểm mà hai nước có lập trường khác nhau.

Ông phân tích: “Chẳng hạn như Trung Quốc không công nhận việc Crimea gia nhập Liên bang Nga. Ngược lại, Nga chưa bao giờ công khai ủng hộ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Hoa Nam (Biển Đông).”

Nhà nghiên cứu người Nga cho rằng Trung Quốc đang hành động thực dụng. Ông nói: "Nếu Trung Quốc ủng hộ lập trường của Nga đối với Crimea, điều đó đồng nghĩa với việc tự làm xấu đi mối quan hệ của họ với Ukraine cũng như với phương Tây, điều mà Trung Quốc không muốn.

Bắc Kinh có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Ukraine. Thêm vào đó, Trung Quốc quan tâm đến hợp tác quân sự, điều này đã không bị gián đoạn ngay cả sau khi mối quan hệ giữa Moskva và Kiev xấu đi vào năm 2014. Vì vậy, Trung Quốc ở vị trí trung lập trong vấn đề Crimea.”

Tổng thống Nga quan tâm đến Thế vận hội còn bởi mối quan hệ thân thiện với Chủ tịch Trung Quốc. Chuyên gia Kovacic nhận định: “Quan hệ cá nhân giữa họ rất tuyệt vời. Putin là một trong những người đầu tiên được ông Tập Cận Bình tiếp kiến khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tổng cộng hơn 40 lần. Liên lạc cá nhân của họ đã bị gián đoạn trong thời gian xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, việc Tập Cận Bình trực tiếp gặp Putin cho thấy sự tin cậy lẫn nhau rất cao giữa hai chính trị gia.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục