Ngày 19/7, tại Hà Nội, Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) phối hợp Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thông qua bốn Công ước Geneva 1949 về Luật Nhân đạo quốc tế (1949-2019).
Bốn Công ước gồm Công ước về cải thiện tình trạng của thương, bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; Công ước về cải thiện tình trạng của những thương binh, bệnh binh và những người bị đắm tàu thuộc lực lượng hải quân; Công ước về việc bảo hộ thường dân trong chiến tranh và Công ước về bảo vệ tù binh trong chiến tranh.
Đây là một phần trong chuỗi các sự kiện đang diễn ra trên toàn thế giới để tôn vinh một thành tựu quan trọng của các quốc gia trong việc tạo nên những quy tắc giảm thiểu tổn thất và thương đau do xung đột vũ trang gây ra. Đây cũng là lần đầu tiên Lễ kỷ niệm các Công ước Geneva 1949 được tổ chức tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, tiến sỹ Lê Thị Tuyết Mai, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao), cho biết các Công ước Geneva 1949 nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng quyền được sống, quyền cơ bản của các cá nhân trong chiến tranh, thiết lập và yêu cầu tuân thủ các quy tắc thiết yếu nhằm bảo vệ thường dân, quân nhân bị thương, bị bệnh, bị đắm tàu và tù binh trong chiến tranh.
[Việt Nam đại diện ASEAN cam kết bảo vệ dân thường trong xung đột]
Việt Nam là một dân tộc văn hiến với truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân đạo và khoan dung. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn kiên trì chủ trương thực hiện các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp quốc tế, nỗ lực cùng các nước duy trì hòa bình bền vững ở khu vực và trên thế giới, coi trọng các chính sách và hoạt động nhân đạo.
Trong thời kỳ chiến tranh trước kia, với tư cách là thành viên của bốn Công ước Geneva 1949, Việt Nam đã thực hiện tốt các nghĩa vụ theo bốn công ước này, bảo vệ dân thường, thương bệnh binh, đối xử nhân đạo với tù nhân chiến tranh. Qua đó, cộng đồng quốc tế đã hiểu hơn về chủ trương chính nghĩa của Việt Nam, dành sự ủng hộ to lớn cho nhân dân và Chính phủ Việt Nam chống chiến tranh xâm lược.
Trong giai đoạn hòa bình hiện nay, các hoạt động nhân đạo tại Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống thiên tai biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường...
Tiến sỹ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định dịp kỷ niệm 70 năm thông qua các Công ước Geneva 1949 về Luật Nhân đạo quốc tế là cơ hội để cập nhật những phát triển mới trong việc áp dụng và giải thích các quy định của Luật Nhân đạo quốc tế cũng như những nỗ lực gần đây của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy thực thi Luật.
Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đồng thời với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc tôn trọng và thực thi hiệu quả các quy tắc của Luật Nhân đạo quốc tế mà nền tảng là các Công ước Geneva 1949.
Theo tiến sỹ Lê Thị Tuyết Mai, trong thời gian tới Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục cùng các cơ quan liên quan phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam và Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế triển khai tuyên truyền phổ biến Luật Nhân đạo quốc tế và thực hiện các hoạt động nhân đạo trên các lĩnh vực khác nhau như khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm và xác định danh tính của những người hy sinh trong chiến tranh, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cứu trợ ngư dân trên biển.
Nữ Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Beatrice Maser kêu gọi các quốc gia nỗ lực hơn nữa để đảm bảo sự tôn trọng đối với các Luật Nhân đạo quốc tế và các Công ước Geneva trong thời bình cũng như trong các cuộc xung đột kể cả xung đột vũ trang hoặc không vũ trang. Đại sứ Beatrice Maser cho rằng Lễ kỷ niệm 70 năm thông qua bốn Công ước Geneva 1949 là cơ hội để các quốc gia cùng nhìn lại và tìm hướng duy trì thành công lâu dài trong quá trình thực hiện các Công ước này.
Bốn Công ước Geneva 1949 là điều ước quốc tế đầu tiên mà Việt Nam trở thành thành viên (năm 1957). Các Công ước Geneva 1949 đóng vai trò là cơ sở cho Luật Nhân đạo quốc tế điều chỉnh các cuộc xung đột vũ trang, hạn chế đau thương, mất mát cho những đối tượng không tham gia vào xung đột vũ trang và phục hồi phẩm giá cho những người không còn là một bên tham chiến. Bên cạnh đó, Luật cũng đặt ra các giới hạn đối với các loại vũ khí và các cách thức sử dụng trong xung đột vũ trang./.