Kỷ niệm 76 năm TTXVN: Phóng viên trưởng thành từ tác nghiệp COVID-19

Không quản ngại khó khăn, gian khổ và hiểm nguy, các phóng viên, biên tập viên của TTXVN luôn có mặt ở các điểm nóng về COVID-19 để có những dòng tin, hình ảnh, chân thực nhất truyền tải đến bạn đọc.
Các phóng viên TTXVN không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, xông pha tại những điểm nóng để truyền tải các thông tin về cuộc chiến chống dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Nếu như trong chiến tranh, hàng nghìn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) luôn có mặt ở các trận địa, những nơi bom đạn ác liệt nhất để tác nghiệp, nay trong đại dịch COVID-19, các phóng viên, biên tập viên của TTXVN cũng không quản ngại khó khăn, gian khổ và cả hiểm nguy rình rập, lăn xả vào tâm dịch, có mặt ở những điểm nóng, để có những dòng tin, những hình ảnh, chân thực nhất để truyền tải đến bạn đọc, góp phần không nhỏ vào công cuộc tuyên truyền để đẩy lùi COVID-19.

Luôn có mặt ở những điểm nóng

Là phóng viên theo dõi mảng thời sự và xã hội, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, phóng viên Hoàng Tuyết, báo Tin tức (TTXVN) tại Văn phòng đại diện Thành phố Hồ Chí Minh, thường xuyên cùng đồng nghiệp có mặt ở những điểm nóng, những vùng phong tỏa của Thành phố để tác nghiệp.

Nhiều chùm bài của Hoàng Tuyết cùng đồng nghiệp trên báo Tin tức để lại ấn tượng sâu sắc cho độc giả.

Có thể kể đến một số chùm tin, bài nổi bật như chùm bài về sự hy sinh thầm lặng của cán bộ cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống COVID-19, viết về những cán bộ phường, quận, Mặt trận… căng mình để giúp dân trong mùa dịch; chùm bài về những chiến sỹ áo trắng kiên cường chống dịch COVID-19, viết về những tấm gương là các bác sỹ xông pha nơi tuyến đầu, giành giật sự sống cho bệnh nhân… do Hoàng Tuyết-Đan Phương thực hiện; chùm tin, ảnh “Dấu ấn anh bộ đội Cụ Hồ giúp dân mùa dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh” của phóng viên Mạnh Linh-Hoàng Tuyết khiến người xem xúc động.

Hoàng Tuyết chia sẻ một trong những lý do khiến Tuyết phải trăn trở và muốn viết thật nhiều, đó là trong quá trình đi tác nghiệp, tận mắt chứng kiến thấy lực lượng tuyến đầu quá vất vả, từ các y, bác sỹ, đến cán bộ cơ sở, lực lượng quân đội, công an.

Từ trách nhiệm của một người phóng viên khi công tác tại một cơ quan báo chí chính thống như TTXVN, Tuyết muốn viết thật nhiều, đưa thật nhiều câu chuyện lên báo để người dân biết đến công việc họ đang làm, những khó khăn, gian khổ, những hy sinh mà lực lượng tuyến đầu đang phải đối mặt, để người dân thấy rằng, những câu chuyện mặt trái lan truyền trên mạng xã hội chỉ là những mảnh ghép rất nhỏ trong cuộc chiến đầy cam go này, không nên vì một vài thông tin của những thành phần tiêu cực mà hiểu sai, mất lòng tin, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bình Dương là điểm nóng thứ 2 của cả nước trong đợt dịch này. Là phóng viên có nhiều kinh nghiệm làm tin thời sự, lăn lộn ở các điểm nóng dịch bệnh, anh Dương Chí Tưởng, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Bình Dương, cho biết với quan điểm cần phải có thông tin nhanh nhất, chính xác nhất để chuyển về cơ quan, góp phần thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh, sản xuất và đời sống của nhân dân trên một địa bàn đang bị xáo trộn mạnh mẽ vì dịch bệnh, Cơ quan thường trú tại Bình Dương xác định, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả nguy cơ vô tình tiếp xúc với F1, F0, vẫn quyết tâm không bỏ lọt thông tin quan trọng.

Chính vì vậy, Cơ quan thường trú Bình Dương đã phát trên 200 tin, bài văn bản về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, chưa kể số lượng lớn tin ảnh, tin truyền hình gửi về cơ quan. Trong đó, những nhiều tuyến bài lớn thể hiện sự lăn xả của phóng viên trong vùng dịch như: “Phân luồng xanh cho hệ thống logistics;” “Người dân và doanh nghiệp đồng lòng phòng, chống dịch;” “Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân vùng dịch”… góp phần để công chúng cả nước thấy được những nỗ lực của chính quyền và người dân Bình Dương đang cùng cả nước khống chế đại dịch.

Là một tỉnh có hơn 100km đường biên giới với Campuchia, tỉnh An Giang cũng là một trong những điểm nóng trong đợt dịch lần này.

Anh Đặng Công Mạo, phóng viên Cơ quan thường trú TTXVN tại An Giang chia sẻ, khi dịch bùng phát ở huyện biên giới An Phú, anh được cơ quan phân công bám chốt hàng tuần ở An Phú.

Hằng ngày, anh theo chân các đoàn truy vết, các đoàn cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân để tham gia tác nghiệp.

Anh Đặng Công Mạo kể, ở An Phú khi đó, lượng người chủ yếu là lái xe, không rõ nguồn lây, nên xác định tâm thế bất cứ ai mình gặp cũng có thể là F0, phóng viên đi làm ngoài việc cẩn thận, khi về thường xuyên phải tự test, một tuần 2 lần test nhanh, 1 lần test PCR để đảm bảo an toàn.

Lực lượng chức năng huyện An Phú (An Giang) cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân trong khu vực bị phong tỏa của thị trấn Long Bình. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Thêm vào đó, để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm, phóng viên hạn chế mang theo nhiều đồ đạc, vì vậy thời gian bám trụ dùng dịch An Phú, anh tác nghiệp hoàn toàn bằng điện thoại di động, mặc dù rất khó khăn, nhưng phải khắc phục để đảm bảo an toàn…

Cơ quan thường trú TTXVN tại Hải Dương là cơ quan truyền thông Trung ương duy nhất được tỉnh Hải Dương mời vào Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh. Điều này đã khẳng định tầm quan trọng cũng như vị thế của TTXVN đối với lãnh đạo địa phương.

Anh Đinh Mạnh Tú, Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Hải Dương, chia sẻ: Lãnh đạo Hải Dương nhận thức rất rõ vai trò, vị thế của TTXVN trong việc tuyên truyền, đưa ra những nguồn thông tin chuẩn và chính thống, ngay từ khi dịch bùng phát, cơ quan TTXVN tại Hải Dương đã được mời vào Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh.

Khi tham gia là thành viên trong Ban Chỉ đạo, ngoài công tác tuyên truyền, phục vụ thông tin, trong quá trình tác nghiệp, nếu phát hiện nơi nào còn xảy ra tình trạng bất cập, anh lập tức phản ánh ngay với Trưởng Ban Chỉ đạo để khắc phục kịp thời.

Đơn cử như lần anh đi tác nghiệp trong một khu cách ly, thấy tình trạng quản lý nơi đây chưa tốt, bởi không có lực lượng công an, quân đội, mà chỉ có lực lượng dân phòng, dẫn đến tình trạng quản lý lỏng lẻo, anh đã phản ánh với Trưởng Ban Chỉ đạo. Ngay lập tức, tỉnh đã cử lực lượng công an, quân đội tham gia để đảm bảo an toàn khu cách ly.

[TTXVN đồng hành cùng các sự kiện lớn của đất nước]

Bên cạnh đó, là thành viên Ban Chỉ đạo, anh nắm thông tin rất chắc và kịp thời có những tin, bài phản bác lại những thông tin không chuẩn, chưa chính xác trên mạng xã hội.

Những thông tin chính xác kịp thời được đưa ra nhanh chóng góp phần không nhỏ vào việc giúp ổn định tinh thần, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của tỉnh Hải Dương trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch trong tỉnh.

Có thể nói, ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, nơi nào có dịch, nơi đó có sự xuất hiện, lăn xả của phóng viên TTXVN, để có được những hình ảnh, những thông tin nóng hổi xuất hiện hàng ngày, hàng giờ trên mặt báo.

Trưởng thành từ gian khó

Tác nghiệp trong vùng dịch vừa vất vả, khó khăn, vừa nguy hiểm cho bản thân và gia đình, nhưng chính trong hoàn cảnh tác nghiệp khó khăn đó, phóng viên đã trưởng thành hơn cả về kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp… đó là chia sẻ chung của nhiều phóng viên của TTXVN.

Anh Dương Chí Tưởng, Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Bình Dương, cho biết ngay khi dịch COVID-19 bắt đầu diễn biến phức tạp, thông qua chỉ đạo của lãnh đạo ngành và Ban Giám đốc Cơ quan khu vực phía Nam, Cơ quan thường trú tại Bình Dương đã tuân thủ đầy đủ quy định về phòng dịch tại trụ sở, như: thực hiện nguyên tắc 5K trong giờ làm việc, cung cấp nước sát khuẩn và khẩu trang đạt chuẩn cho phóng viên đi tác nghiệp.

Cơ sở cách ly điều trị bệnh nhân F0 tại phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Để đảm bảo thông tin trên một địa bàn rộng, Cơ quan thường trú Bình Dương đã quyết định phải thay đổi phương thức tác nghiệp và công tác tổ chức thông tin, làm tốt hơn nữa việc bám sát địa bàn, thông tin nhanh, cập nhập liên tục từng giờ.

Phóng viên Lê Thị Xuân, cơ quan thường trú TTXVN tại Đồng Nai chia sẻ, là phóng viên ba trong một, sản phẩm của một chuyến tác nghiệp phải đáp ứng cả ba loại hình thông tin: tin văn bản, ảnh và truyền hình.

Việc vừa phải thực hiện ba loại hình vừa phải đảm bảo an toàn cho bản thân, không để bị lây nhiễm dịch bệnh là một trong những thách thức lớn với phóng viên.

Tuy nhiên, khi có mặt tại các khu cách ly, chị lại thấy những khó khăn của mình chưa thấm tháp gì so với những hy sinh, vất vả của các thầy thuốc nơi tuyến đầu; so với sự cô đơn, lo sợ của các bệnh nhân F0 khi đang phải điều trị, đặc biệt là những em nhỏ phải xa gia đình, xa cha mẹ.

Chị Lê Thị Xuân cho rằng tác nghiệp trong khó khăn của dịch COVID-19 chính là cơ hội để phóng viên đổi mới tư duy và phương thức tác nghiệp.

Nếu như trước đây, phóng viên phải có mặt tại hiện trường, trực tiếp gặp gỡ nhân vật để khai thác thông tin, nay, do hạn chế đi lại và tiếp xúc để phòng, chống dịch COVID-19, chị đã sử dụng nhiều hơn phương pháp phỏng vấn qua điện thoại, sử dụng công nghệ thông tin để tiếp cận nhân vật, nguồn tin một cách an toàn.

Với phóng viên Hoàng Tuyết, báo Tin tức (TTXVN) tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình tác nghiệp trong mùa dịch, chị trưởng thành hơn rất nhiều, tốc độ viết tin, bài cũng như cường độ lao động tăng gấp mấy lần bình thường.

Có tháng, chị làm tới hàng trăm tin, bài. Quá trình tác nghiệp trong tâm dịch khiến chị học hỏi được nhiều kinh nghiệm, từ kinh nghiệm trong phòng, chống COVID-19 thế nào cho an toàn nhất cho mình và gia đình hay kinh nghiệm tự test COVID-19...

“Lúc đầu không biết cách lấy mẫu test, đau lắm, nhưng trải qua nhiều lần tự lấy mẫu, giờ tôi test ‘chuyên nghiệp’ lắm rồi,” phóng viên Hoàng Tuyết vui vẻ nói.

Khi được hỏi, điều gì khiến bạn luôn nỗ lực, cố gắng hết mình trong công việc? Hoàng Tuyết chia sẻ ngoài nhiệm vụ, trách nhiệm của người làm báo với xã hội, sự quan tâm, chia sẻ động viên của Lãnh đạo cơ quan TTXVN, lãnh đạo Ban Biên tập báo Tin tức và lãnh đạo phòng… là động lực rất lớn để chị cố gắng.

Trong quá trình tác nghiệp, chị thường xuyên được dặn dò phóng viên đi làm, điều đầu tiên phải đảm bảo an toàn cho bản thân là trên hết.

Bên cạnh sự quan tâm về mặt tinh thần, phóng viên đi làm được cơ quan hỗ trợ đầy đủ đồ phòng hộ cần thiết như khẩu trang, quần áo bảo hộ, hỗ trợ dụng cụ test, chi phí xét nghiệm…

Lãnh đạo báo, lãnh đạo phòng thường xuyên nhắn tin, gọi điện hỏi thăm, dặn dò phải cẩn thận, phải giữ sức khỏe, tính mạng là trên hết…

“Có sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan TTXVN, của lãnh đạo đơn vị các cấp, tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm làm thật tốt công việc của mình, có thật nhiều tin, bài chất lượng, kịp thời để góp phần vào công tác tuyên tuyền phòng, chống dịch,” Hoàng Tuyết bày tỏ.

Trong gần 2 năm dịch COVID-19 xảy ra, cùng với lực lượng tuyến đầu chống dịch là đội ngũ y bác sỹ, lực lượng an ninh, quân đội…, những cơ quan báo chí, trong đó có đội ngũ đông đảo phóng viên, nhà báo của TTXVN cũng là những chiến chiến sỹ xung kích trên mặt trận truyền thông, không quản hiểm nguy, lao vào tâm dịch để góp phần tuyên truyền phòng, chống dịch, sẵn sàng hết mình vì công việc, để dòng thông tin chính thống không bao giờ ngừng chảy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục