Sáng 22/12, tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ - viết tắt là Công ty AIC) và 35 bị cáo vi phạm quy định về đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ, Hội đồng xét xử đã tập trung làm rõ các hành vi của nhóm bị cáo tại các công ty “quân xanh” giúp Công ty AIC trúng các gói thầu dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai được phê duyệt năm 2007, tổng vốn đầu tư hơn 889 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây lắp và thiết bị kèm theo xây lắp.
Năm 2010, Dự án được phê duyệt lại với tổng vốn đầu tư 1.904 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây lắp, thiết bị kèm theo xây lắp và thiết bị y tế chuyên môn (hạng mục được bổ sung vào dự án).
Sau đó, qua 5 lần phê duyệt điều chỉnh, Dự án có tổng vốn đầu tư 2.076 tỷ đồng.
[Xét xử vụ AIC: Nguyên lãnh đạo Đồng Nai thừa nhận hành vi nhận hối lộ]
Quá trình thực hiện Dự án, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành 4 quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu đối với 70 gói thầu; trong đó có 9 gói thầu thiết bị kèm theo xây lắp (gói số 7 và số 56), 17 gói thầu thiết bị y tế chuyên môn (gói số 52 và từ số 64 đến 79).
Thực tế, Dự án được phân chia thành 123 gói thầu, trong đó có 17 gói thiết bị y tế chuyên môn.
Dự án khởi công ngày 27/11/2008, hoàn thành ngày 30/1/2018 và đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt quyết toán số tiền hơn 1.977 tỷ đồng.
Trong số 26 gói thầu được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt kế hoạch đấu thầu nêu trên (9 gói thiết bị kèm theo xây lắp và 17 gói thiết bị y tế chuyên môn), Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng thầu toàn bộ 16 gói thầu gồm: 2 gói thiết bị kèm theo xây lắp (gói số 7, 56) và 14 gói thầu thiết bị y tế chuyên môn (gói số 52, 64, 65, các gói thầu từ số 67 đến số 77). Trong đó, Công ty AIC đứng tên trúng thầu 12 gói, chỉ định các công ty khác đứng tên hộ và trúng 4 gói thầu.
Để thuận lợi trong việc trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) và nhân viên mua Hồ sơ mời thầu, lập Hồ sơ dự thầu cho cả công ty “quân đỏ” và công ty “quân xanh” để nộp Hồ sơ dự thầu cho đủ số lượng theo quy định để Công ty AIC trúng 16 gói thầu thiết bị y tế.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Nhàn ký và chỉ đạo bị cáo Trần Mạnh Hà (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) ký các Phụ lục hợp đồng điều chỉnh điều khoản phạt hợp đồng trái quy định, gây thiệt hại hơn 3,5 tỷ đồng.
Với cách thức nêu trên của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Công ty AIC và các công ty do Công ty AIC chỉ định tham gia 16/19 gói thầu thiết bị y tế và trúng toàn bộ 16 gói thầu với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng.
Trong số đó, Công ty AIC đứng tên trúng 12 gói thầu, còn lại là các công ty “quân xanh” như Công ty BMS, TNT... ký hợp đồng thực hiện 4 gói thầu với Chủ đầu tư, nhưng thực tế Công ty AIC thực hiện cung ứng toàn bộ thiết bị của các gói thầu này và đã nhận lại toàn bộ số tiền Chủ đầu tư thanh toán cho các công ty “quân xanh.”
Trả lời thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa, các bị cáo thuộc nhóm công ty “quân xanh” cho Công ty AIC đã thừa nhận hành vi và cho rằng khi các bị cáo làm hồ sơ "quân xanh" đều không có tư lợi nào trong gói thầu.
Các bị cáo khai trong bối cảnh đó, muốn bán được các sản phẩm thiết bị y tế thì phải tham gia làm "quân xanh" cho gói thầu này.
Khi đó các bị cáo đều nghĩ đơn giản về hành động của mình, đến khi xảy ra hậu quả mới ăn năn, hối hận thì đã quá muộn.
Sau khi nhận thức được sai phạm, các bị cáo đã chủ động hợp tác với cơ quan tố tụng để làm rõ nội dung vụ án, khắc phục hậu quả.
Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thị Bích Thủy (Giám đốc Công ty TNT) thừa nhận đã đồng ý với đề nghị của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Hoàng Thị Thúy Nga làm “quân xanh” cho Công ty AIC tham gia đấu thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để bán thiết bị vào dự án.
Bị cáo Thủy đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền phối hợp với nhân viên Công ty AIC làm Hồ sơ dự thầu của Công ty TNT để tham dự 11 gói thầu của dự án. Trong đó, Công ty TNT làm “quân xanh” của 10 gói thầu, làm “quân đỏ” trúng thầu hộ Công ty AIC gói thầu số 73, gây thiệt hại hơn 112 tỷ đồng.
Sau khi Công ty AIC trúng thầu, Công ty TNT được Công ty AIC giao thi công xây lắp gói thầu số 7.
Ngoài ra, Lê Thị Bích Thủy đại diện Công ty TNT ký 3 hợp đồng bán 22 thiết bị y tế cho Công ty AIC để cung cấp vào Dự án, qua đó thu lợi nhuận hơn 3,5 tỷ đồng. Gia đình bị cáo Thủy đã chủ động nộp lại số tiền này.
Một công ty “quân xanh” khác là Công ty tránh nhiệm hữu hạn thương mại Tâm Hợp (Công ty Tâm Hợp) do bị cáo Nguyễn Văn Bằng làm Giám đốc.
Trả lời thẩm vấn của Chủ tọa phiên tòa Mai Văn Quang, bị cáo Bằng khai do muốn bán thiết bị y tế cho Dự án thông qua Công ty AIC nên Bằng đã ký Hồ sơ dự thầu làm “quân xanh” cho Công ty AIC trúng gói thầu số 69. Trong đó, phần hồ sơ pháp lý do Công ty Tâm Hợp tự xác lập, còn phần hồ sơ kỹ thuật và hoàn chỉnh Hồ sơ dự thầu do nhóm Hoàng Thế Quỳnh, Lê Chí Tuân thực hiện.
Viện Kiểm sát xác định Công ty Tâm Hợp làm “quân xanh” để Công ty AIC trúng gói thầu số 69, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 7,5 tỷ đồng./.