Ngày 19/10, lãnh đạo phong trào Hồi giáo Hamas - hiện kiểm soát Dải Gaza của Palestine - ông Yahya Sinwar tuyên bố không ai có thể ép buộc phong trào này giải giáp vũ khí hoặc công nhận sự chiếm đóng của Israel.
Tuyên bố của ông Sinwar được đưa ra sau khi Mỹ yêu cầu Hamas phải đáp ứng các điều kiện để tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine.
Phát biểu tại một diễn đàn ở Gaza, ông Sinwar nhấn mạnh: "Không ai trên thế giới này có thể tước bỏ vũ khí của chúng ta. Trái lại, chúng ta sẽ có sức mạnh để bảo vệ công dân của mình. Không ai có khả năng ép buộc chúng ta thừa nhận sự chiếm đóng của Israel."
Trước đó cùng ngày, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Jason Greenblatt đã nêu ra một loạt điều kiện đối với Hamas khi nói rằng chính phủ đoàn kết Palestine cần phải công nhận Israel và giải giáp vũ khí của phong trào Hamas.
Đây được coi là phản ứng chi tiết đầu tiên của Washington trước thỏa thuận hòa giải có tính bước ngoặt được ký kết giữa Hamas và phong trào Hồi giáo Fatah ở Palestine hồi tuần trước, dưới sự bảo trợ của Ai Cập.
[Tổ chức Hamas đe dọa “xóa bỏ” sự tồn tại của nhà nước Israel]
Ông Greenblatt đã nhiều lần thăm Trung Đông để tìm kiếm các giải pháp nhằm tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.
Trong một tuyên bố, ông Greenblatt nêu rõ: "Bất kỳ Chính phủ Palestine nào cũng cần phải cam kết một cách rõ ràng và dứt khoát không có hành động bạo lực, công nhận nhà nước Israel, chấp thuận các thỏa thuận và nghĩa vụ trước đó giữa các bên, trong đó có việc tước bỏ vũ khí của những kẻ khủng bố, đồng thời cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình."
Các điều kiện của Mỹ là phù hợp với các nguyên tắc mà nhóm "Bộ Tứ" về hòa bình Trung Đông (gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và Liên hợp quốc) đưa ra trước đây.
Ông Greenblatt nói thêm nếu Hamas giữ bất cứ vai trò nào trong Chính phủ Palestine, phong trào này phải chấp nhận những yêu cầu cơ bản đó.
Trước đó, ngày 12/10, phong trào Fatah của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đã ký một thỏa thuận hòa giải chính trị với Hamas tại Cairo, chấm dứt chia rẽ chính trị sâu sắc kéo dài 10 năm qua giữa hai phe phái chính trị chủ chốt của Palestine.
Tổ chức Giải phóng Palestine do ông Abbas lãnh đạo đã công nhận Israel, nhưng Hamas không công nhận. Phong trào Hồi giáo này đã bị Mỹ và EU liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố./.