LHQ đề nghị ủng hộ 40 triệu USD vào quỹ chống dịch tả ở Haiti

Liên hợp quốc thông qua nghị quyết đề nghị các nước đóng góp tự nguyện 40,5 triệu USD ngân sách còn dư của quỹ chống dịch tả ở Haiti, dự kiến sẽ kết thúc tháng 10 tới.
Điều trị cho bệnh nhân mắc tả tại bệnh viện ở thủ đô Sanaa ngày 22/6. (Nguồn: EPA/ TTXVN)

Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết đề nghị các nước đóng góp tự nguyện 40,5 triệu USD ngân sách còn dư của Sứ mệnh hòa bình tại Haiti (MINUSTAH) - dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 10 tới, để trợ giúp các nạn nhân dịch tả tại đảo quốc Caribe này.

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết ủng hộ đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhằm bổ sung ngân sách cho quỹ phòng chống dịch tả tại Haiti của Liên hợp quốc trong bối cảnh quỹ này còn thiếu tới 400 triệu USD.

Tổng Thư ký Guterres cho biết các nước đóng góp ngân sách cho MINUSTAH sẽ có 60 ngày để thông báo cho ông về quyết định có đồng ý chuyển phần đóng góp còn dư của MINUSTAH sang quỹ phòng chống dịch tả hay không.

Hồi tháng 3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí chấm dứt sứ mệnh MINUSTAH vào tháng 10 tới sau 13 năm hoạt động và thay thế bằng một lực lượng nhỏ hơn chỉ gồm các cảnh sát.

Trong tháng trước, Mỹ, quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đã tuyên bố sẽ rút về nước khoản tiền dư của mình.

[Haiti có thể xóa sổ đợt dịch tả nghiêm trọng cuối năm 2018]

Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Michele Sison cho biết Washington đã hỗ trợ Haiti 100 triệu USD để ứng phó với dịch tả và hiện Mỹ "không có điều kiện để thực hiện tiếp khoản đóng góp của Liên hợp quốc."

Khởi động vào tháng 10 năm ngoái, quỹ hỗ trợ phòng chống dịch tả ở Haiti của Liên hợp quốc đã không huy động được sự ủng hộ rộng lớn.

Cho tới nay, chỉ có 7 nước đóng góp vào quỹ này, bao gồm Chile, Pháp, Ấn Độ, Liechtenstein, Hàn Quốc, Sri Lanka và Anh với số tiền "khiêm tốn" 2,67 triệu USD. Canada và Nhật Bản đã hỗ trợ riêng rẽ 8,5 triệu USD cho Haiti.

Đợt dịch tả nghiêm trọng trên đã khiến hơn 9.300 người tử vong và hơn 800.000 người bị nhiễm kể từ lúc bùng phát vào năm 2010, sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được cử đến Haiti để trợ giúp nước này khắc phục hậu quả thảm họa động đất.

Kết quả điều tra sau đó cho thấy các binh lính người Nepal tham gia lực lượng này đã vô tình mang bệnh tả đến Haiti.

Năm 2016, lần đầu tiên Liên hợp quốc thừa nhận trách nhiệm gây ra dịch tả tại Haiti và Tổng Thư ký​ Liên hợp quốc khi đó là ông Ban Ki-moon đã phải xin lỗi người dân nước này do để bùng phát dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục