Ngày 16/12, Liên hợp quốc kêu gọi Chính phủ Colombia giám sát những khu vực mà Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) từng đồn trú, trước nguy cơ các băng nhóm tội phạm có thể chiếm đóng những vùng này để canh tác cây cocain và khai thác khoáng sản trái phép.
Các chuyên gia của Liên hợp quốc đang tham gia vào quá trình giám sát việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn song phương giữa Chính phủ Colombia và FARC, cũng như giải giáp vũ khí, cảnh báo tình trạng khoảng trống quyền lực ở những vùng nhóm vũ trang lớn nhất Colombia từng đồn trú.
Liên hợp quốc cũng bày tỏ quan ngại về công tác đảm bảo hậu cần ở những khu vực nơi các tay súng FARC được tập trung để giải giáp vũ khí, thực thi thỏa thuận hòa bình đã được ký kết giữa Chính phủ Colombia và FARC.
Liên hợp quốc cho rằng tất cả các vùng tập trung đều không đủ điều kiện để tiếp nhận các tay súng bởi thiếu nước sạch, thực phẩm, dịch vụ y tế và điện sinh hoạt. Theo dự kiến, quá trình giao nộp vũ khí sẽ kéo dài trong vòng 150 tới 180 ngày và hiện các thành viên của tổ chức này đã bắt đầu di chuyển về các địa điểm được quy định.
Liên hợp quốc đề xuất chính phủ chỉ định một người phụ trách chương trình giải giáp vũ khí để điều phối giải quyết những khó khăn phát sinh để có thể triển khai hiệu quả nhất thỏa thuận hòa bình.
Cùng ngày, chính đảng mới đăng ký thành lập mang tên Tiếng nói hòa bình ở Colombia khẳng định sẽ đồng hành cùng FARC trong tiến trình hội nhập đời sống chính trị và xã hội trong tương lai. Trong một thông cáo chung ra ngày 16/12, Chính phủ Colombia và FARC cho biết chính đảng mới thành lập sẽ hỗ trợ quá trình giải giáp vũ khí của các tay súng cho tới khi nào FARC hoàn thành việc giao nộp khí tài và chính thức đăng ký trở thành một chính đảng độc lập.
Thông cáo cũng khẳng định các thành viên của FARC hiện đang trên đường tới các khu vực tập trung để giao nộp vũ khí và sẽ không tham gia đảng Tiếng nói hòa bình. Việc FARC sẽ hội nhập vào đời sống chính trị, xã hội Colombia và thành lập một chính đảng hợp pháp là một trong những điều khoản quan trọng của thỏa thuận hòa bình. Thông cáo nêu rõ FARC chỉ thành lập đảng của riêng mình sau khi hoàn thành giải giáp vũ khí.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Giáo hoàng Francis đã có buổi tiếp Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và cựu Tổng thống Alvaro Uribe, người cầm đầu phong trào bác bỏ thỏa thuận hòa bình, tại Roma (Italy).
Tại buổi gặp mặt, Tổng thống Santos đã bày tỏ mong muốn Giáo hoàng Francis giúp đỡ quá trình hòa bình ở nước Nam Mỹ. Tuy nhiên, nội dung của cuộc làm việc không được tiết lộ./.