Ngày 2/11, Liên hợp quốc đã bày tỏ sự ủng hộ sau khi Chính phủ Colombia tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn với Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) trước ngày 1/1/2016, tiến tới thiết lập thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn tại nước Nam Mỹ.
Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ dẫn nguồn báo chí Colombia cho biết người phát ngôn của Liên hợp quốc Stéphane Dujarric đánh giá cao tuyên bố hôm 28/10 vừa qua của Tổng thống Juan Manuel Santos về việc chính phủ nước này và FARC hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn song phương trước đầu năm mới. Trước đó, FARC đã tuyên bố ngừng bắn đơn phương từ ngày 20/7.
Ông Dujarric cho rằng quyết định nói trên sẽ đóng vai trò quyết định trong việc chấm dứt xung đột vũ trang hơn 50 năm qua tại Colombia, đồng thời hoan nghênh sự tin tưởng của Tổng thống Santos đối với Liên hợp quốc khi yêu cầu tổ chức này tham gia giám sát việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn.
Đại diện của Liên hợp quốc cũng cho biết đã phối hợp với Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) và các bên liên quan trong việc xác định cơ chế quản lý và giám sát tiến trình hòa đàm với sự tham gia của quốc tế, đồng thời bày tỏ tin tưởng Chính phủ Colombia và FARC tận dụng vòng đàm phán sẽ diễn ra vào ngày 2/11 tại La Habana để tiếp tục giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.
Cuối tuần qua, Tổng thống Santos đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giúp đỡ nước này giám sát tiến trình thực hiện thỏa thuận ngừng bắn song phương giữa chính phủ và FARC trong tương lai, có khả năng đạt được trước ngày 1/1 năm tới. Trong khi đó, đại diện FARC tham gia hòa đàm cũng cho biết có thể đạt được thỏa thuận này vào ngày 16/12 tới.
Theo dự kiến trong ngày 2/11, đại diện Chính phủ và FARC sẽ tiến hành vòng đàm phán mới tại La Habana về việc giải giáp vũ khí và các vấn đề liên quan tới các nạn nhân của xung đột. Nội dung này được coi là vấn đề nhạy cảm nhất và là rào cản lớn trong tiến trình hòa đàm về việc bồi thường cho các nạn nhân và xét xử những người có trách nhiệm của FARC. Chính phủ cho rằng các thành viên FARC liên quan trong cuộc xung đột phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, song việc xét xử sẽ mềm dẻo hơn.
Được khởi động từ năm 2012, tiến trình hòa đàm đã trải qua 40 vòng đàm phán tại thủ đô La Habana của Cuba. Theo giới quan sát, tiến trình này đang bước vào giai đoạn nước rút, mở ra hy vọng kết thúc cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 220.000 người và ảnh hưởng tới hàng triệu người khác./.