Ngày 9/2, tại trụ sở chính của Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, phiên thảo luận chung cấp cao của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 69 về chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 đã khai mạc với sự tham dự của đông đảo các đại diện của 193 quốc gia thành viên.
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn phát biểu khai mạc của Phó Tổng Thư ký thứ nhất Liên hợp quốc Jan Eliasson nhấn mạnh các quốc gia trên thế giới đang đứng trước giai đoạn cuối cùng, mang tính quyết định về việc xác định những mục tiêu phát triển cụ thể cho giai đoạn sau 2015, hướng tới một tương lai bền vững với những điều kiện sống phồn vinh, hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Ông cho biết để phục vụ mục tiêu cao cả đó, năm nay Liên hợp quốc sẽ tổ chức ba sự kiện lớn, mang tính lịch sử, vì nó góp phần quyết định tương lai của tất cả mọi người, đó là Hội nghị quốc tế lần thứ ba về phát triển tài chính, sẽ tổ chức vào tháng Bảy năm nay tại Etiopia; tiếp đó, vào tháng Chín, tại New York sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển cho giai đoạn sau 2015; và vào tháng cuối cùng của năm nay, thủ đô Paris của Pháp sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao toàn cầu về khí hậu Trái Đất.
Phó Tổng Thư ký thứ nhất Liên hợp quốc Eliasson còn cho biết năm nay Liên hợp quốc sẽ tổng kết việc thực hiện Các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG), được cộng đồng quốc tế thông qua vào năm 2000, với hàng loạt mục tiêu cụ thể, trong đó có việc giảm một nửa số người đói nghèo, cũng như đấu tranh chống dịch bệnh, và bất bình đẳng, v.v....
Tuy nhiên, theo ông, khá nhiều mục tiêu trong số MDGs chưa thực hiện được, trong đó có việc hiện nay trên thế giới vẫn đang có 73 triệu người lao động trẻ tuổi không có việc làm, và hầu như tại tất cả các quốc gia trên thế giới vẫn còn nhiều người ăn không đủ no như trước khi cộng đồng quốc tế đưa ra Tuyên bố thiên niên kỷ với MDGs rất cụ thể.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 69 Sam Kutesa cho rằng để thực hiện được mục tiêu xóa bỏ được đói nghèo trên phạm vi toàn cầu, cứ mỗi 2 năm, thế giới cần có nguồn kinh phí bổ sung khoảng từ 135 đến 195 tỷ USD.
Ngoài ra, theo ông Kutesa, để cải thiện hệ thống giao thông, giáo dục, phòng chống dịch bệnh và nước sạch,v.v... mỗi năm thế giới cần khoản vốn đầu tư không ít hơn từ 5.000-7.000 tỷ USD, và đây là những thách thức to lớn về tài chính đối với cộng đồng quốc tế./.
(TTXVN/Vietnam+)